Khúc chiến ca của Mẹ Hổ Phần 2

Kỳ 2: Sophia



TTO - Sophia là con gái đầu của tôi. Jed, chồng tôi là người Do Thái, còn tôi là người Trung Quốc, chúng tôi tạo ra những đứa trẻ Mỹ pha Do Thái lai Trung Quốc, một tổ hợp dân tộc nghe có vẻ kỳ lạ nhưng trên thực tế lại được hình thành khá nhiều ở một vài nhóm người nhất định, đặc biệt là trong các khu dân cư của trường đại học.
Si Hua là tên Trung Quốc của Sophia, mang ý nghĩa "thông tuệ", đó là tên bà ngoại đặt cho cháu. Kể từ khi Sophia chào đời, nó đã thể hiện tính lý trí và khả năng tập trung đặc biệt. Sophia mang những phẩm chất của bố cháu. Khi còn bé, Sophia đã nhanh chóng ngủ đến trọn đêm, và chỉ khóc khi cần gì đó. Thời gian đó, tôi vật lộn với việc viết các bài báo về luật - tôi đã rời khỏi một hãng luật ở Wall Street mà tôi sẽ không bao giờ quay lại nữa, và liều mạng giành lấy công việc giảng dạy - và Sophia mới hai tháng tuổi đã hiểu điều này. Lặng lẽ và trầm tư, nó hầu như chỉ ngủ, ăn, và nhìn tôi viết lách cho đến khi được một tuổi.

Sophia phát triển sớm về nhận thức, mười tám tháng tuổi nó đã thuộc bảng chữ cái. Bác sỹ nhi khoa của chúng tôi phủ nhận khả năng của hệ thần kinh, khăng khăng cho rằng Sophia chỉ thuộc vẹt thôi. Để chứng minh luận điểm này, ông lôi ra một biểu đồ phức tạp to tướng, với các chữ cái được ngụy trang dưới hình các con vật như rắn và kỳ lân. Vị bác sỹ nhìn tấm biểu đồ, rồi liếc Sophia, rồi lại quay lại tấm biểu đồ. Ranh mãnh, ông ta chỉ vào một con cóc mặc chiếc váy dài đầu đội mũ bê-rê.

Sophia hét lên, "Q".

Vị bác sỹ làu bàu. Rồi ông nói với tôi, "Không được mách nước."

Tôi được cứu nguy khi chúng tôi chỉ đến chữ cái cuối cùng: một con rắn nhiều đầu với vô số cái lưỡi đỏ lòm thè ra xung quanh, Sophia đã nhận ra đúng chữ "I".

Sophia xuất sắc ở lớp mẫu giáo, đặc biệt ở môn Toán. Trong khi những đứa trẻ khác học đếm từ 1 đến 10 theo kiểu sáng tạo của người Mỹ - với những cần câu, giọt sương và hình nón - thì tôi dạy Sophia bốn phép cộng, trừ, nhân, chia, và phân số cùng số thập phân theo cách học vẹt của người Trung Quốc. Phần khó khăn chính là việc đưa ra câu trả lời đúng từ cách sử dụng các hình ảnh cần câu, giọt sương, và hình nón ấy.

Thỏa thuận mà tôi và Jed đã đưa ra khi kết hôn là con cái sinh ra sẽ nói tiếng quan thoại và được dạy cả tiếng Do Thái (tôi còn cho cả Đạo Thiên chúa vào, nhưng quả là quá dễ dàng từ bỏ thứ Đạo Thiên chúa vừa mới bén rễ trong gia đình tôi, tuy nhiên vấn đề này sẽ bàn đến sau). Khi hồi tưởng lại, đây thực là một thỏa thuận gây cười, bởi vì chính tôi không hề nói tiếng quan thoại - ngôn ngữ địa phương của tôi là tiếng Phúc Kiến kia mà - và Jed cũng chẳng hề sùng đạo chút nào. Nhưng dù sao chăng nữa, thỏa thuận đó vẫn được thực hiện. Tôi thuê một người giữ trẻ nói tiếng quan thoại trông Sophia, và chúng tôi đã kỷ niệm lễ Hanukkah(*) lần đầu tiên của mình khi Sophia được hai tháng tuổi.

Khi Sophia lớn hơn, có vẻ như nó đã chọn lọc được những điều tốt đẹp nhất của cả hai nền văn hóa. Nó tìm tòi và đặt câu hỏi, phẩm chất từ nửa Do Thái. Và từ tôi, nửa Trung Quốc, nó có các kỹ năng - rất nhiều kỹ năng. Tôi không có ý nói đến những kỹ năng bẩm sinh hay những kỹ năng tương tự như thế, mà là những kỹ năng về học tập siêng năng, có kỷ luật, cách phát triển vấn đề chắc chắn của người Trung Quốc.

Khi Sophia lên ba, nó đã đọc Sartre (**), thực hành các lý thuyết đơn giản, và có thể viết một trăm chữ Trung Quốc. (Jed giải thích: Sophia đã nhận ra từ "Cấm vào", có thể vẽ hai vòng tròn chồng khít lên nhau, và có thể cũng đọc được chữ Trung Quốc như vậy). Khi quan sát những ông bố bà mẹ Mỹ ca ngợi hết lời con cái mình khi chúng làm được những bài tập dễ dàng nhất - vẽ được những nét chữ nguệch ngoạc hay những con sóng cứng đơ như que củi - tôi nhận ra rằng các đấng phụ mẫu Trung Quốc có hai điều vượt qua những ông bố bà mẹ phương Tây: (1) đặt kỳ vọng cao hơn ở con cái mình, và (2) đánh giá con cái cao hơn theo chiều hướng hiểu chúng có thể làm được đến đâu.

Dĩ nhiên, tôi cũng muốn Sophia thừa hưởng được những mặt tốt đẹp nhất của xã hội Mỹ. Tôi không muốn nó kết cục lại giống như một trong số những "người máy" châu Á lạ kỳ, luôn cảm thấy áp lực quá nhiều từ phía bố mẹ đến mức phải tự sát khi về nhì trong kỳ thi của cơ quan dân sự quốc gia. Tôi muốn nó phát triển đầy đủ, có các sở thích cũng như những hoạt động riêng. Không thể là các hoạt động, như kiểu "hoa tay tài khéo", có thể dẫn đầu ở đâu đó –thậm chí tệ hơn, chơi trống chẳng hạn để rồi dẫn dắt những kẻ nghiện ngập - nhưng cũng còn tốt hơn một sở thích đầy ý nghĩa nhưng khó khăn chất chồng đòi hỏi khả năng hiểu biết sâu sắc và trình độ điêu luyện.

Và chính khi đó dương cầm xuất hiện.

Năm 1996, khi Sophia lên ba, nó có hai món đồ mới, bài học dương cầm đầu tiên, và cô em gái nhỏ.

AMY CHUA

**********************

(*) Hanukkah: Là lễ hội truyền thống của người Do Thái, bắt đầu vào ngày thứ 25 của tháng Kislev, thường rơi vào khoảng từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12. Lễ hội này còn được gọi là Lễ hội Ánh sáng, đánh dấu ngày người Do Thái giành lại được Jesusalem và Ngôi đền thiêng từ vương quốc Seleukos năm 168 trước CN. Lễ hội Ánh sáng được tổ chức cùng với lễ đốt nến truyền thống, tám cây nến được cắm trên cùng một chiếc bàn, mỗi ngày người ta đốt cháy một cây nến, và lễ hội kết thúc khi cây nến thứ tám được đốt hết. (ND)

(**) Jean Paul Sartre (1905 - 1980), nhà văn, nhà triết học hiện sinh người Pháp, được trao giải Nobel Văn chương năm 1964 nhưng từ chối nhận giải. Ông là một trong những nhà triết học hàng đầu của Pháp thế kỷ XX.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét