3 Người thầy vĩ đại

3 Người thầy vĩ đại



Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: “Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?”

Hasan đáp: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.

Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: “Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm.”

Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: “Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!” Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: “Có trộm được gì không?” và ông ta đều đáp: “Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”. Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.

Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!”

Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động.

Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến đã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: “Con tự thắp cây nến này phải không?” Đứa bé đáp: “Thưa phải.” Đoạn ta hỏi: “Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?”

Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: “Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?”

Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.

Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.

Chọn bạn làm ăn

100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70 
Chọn bạn làm ăn
Bài 2: Chọn bạn làm ăn

Người ta nói “đàn ông đi biển có đôi”, vì tự mình thì chỉ dừng ở mức độ đi câu cá, còn muốn giăng lưới đánh mẻ cá to, phải hợp lực cùng nhau.

Điều kiện cần của hùn hạp là SỰ HÀO SẢNG của người rủ. Điều kiện đủ là KỶ LUẬT CỦA MỖI CÁ NHÂN người góp vốn. Kỷ luật này phải là bản chất, hoặc phải được đào tạo để trở thành thói quen.

Nhóm tình nguyện sau 3 tuần bán cà chua, 30/60 bạn phải rời nhóm. Có những cam kết ban đầu các bạn bỏ qua. Đi trễ. Về sớm. Xuề xòa cho qua sai sót. Báo cáo đến hạn không có. Giao việc quên làm… Các bạn ấy nói dượng không biết tụi con vất vả như thế nào, chiều thứ 6 tan sở là đón xe lên Đà Lạt, mua cà chua xong, sáng thứ 7 ngồi phân loại đến khuya, rồi chủ nhật đứng bán cả ngày, kiếm được bi nhiêu tiền là gửi hết vào quỹ “bạn trẻ khởi nghiệp” hay “áo ấm mùa đông”. Tony đánh giá các bạn ở yếu tố nhiệt tình, tốt bụng, chăm chỉ, hào sảng…nhưng đấy chỉ là ĐIỀU KIỆN CẦN. ĐIỀU KIỆN ĐỦ là tính kỷ luật thì không có, nên trước sau gì cũng tan rã nhóm, giải tán trước cho rồi. Còn 30 đứa thì đào tạo 30 đứa. Hoặc không làm cũng được, làm thì phải đàng hoàng. Ông Lý Quang Diệu nói “you cannot reach your dream or goal without discipline”. Discipline là tính kỷ luật, nếu không có nó, dream (giấc mơ) hay goal (mục tiêu cuối cùng) sẽ không bao giờ đạt được.

Nước Đức tạo nên chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc là vì người Đức được rèn luyện tính kỷ luật từ tấm bé. Người Nhật tạo nên huyền thoại Á Châu cũng vì tính kỷ luật khủng khiếp của mình. Người Hàn tạo nên kỳ tích cũng vì tính kỷ luật đôi lúc hơi cực đoan của họ. Doanh nhân nào thành đạt cũng có cái tính tuyệt vời đó. Bạn thử hẹn ăn trưa với Mr Jack Ma của Alibaba hay Mr Warren Buffett, hẹn 11h45 là đúng 11h45. Không có chuyện tiệc cưới mời 6h thì 7h15 mới múa hát và đãi ăn lúc 7h45.

Nếu thấy người không có tính kỷ luật, xuề xòa…thì chỉ cà phê cà pháo, tuyệt đối không hợp tác. Ở miền Tây Nam Bộ, dân ở đây có tính hào sảng nên khi mới mở ra làm ăn, doanh nghiệp nào cũng phát triển ầm ầm. Nhưng đến quy mô cỡ vài ngàn công nhân, thì bắt đầu lộn xộn trong quản lý. Có nhà máy chế biến cá basa nọ, cách đây 4 năm Tony đến mua cá, thấy công nhân đi vệ sinh xong vô không rửa tay, quản đốc thấy nhưng bỏ qua. Rồi quản đốc thì vừa chỉ đạo sản xuất vừa quẹt quẹt smartphone. Ông bảo vệ thì ngủ gục, bấm còi miết mới ra mở cửa cổng, đầu tóc rồi bù. Trong phòng thì giám đốc đang cợt nhã với một nữ thực tập sinh, trêu đùa quá trớn. Nhân viên thì vừa đọc tin tức online vừa làm hợp đồng, nên ngôn ngữ hợp đồng ngoại thương mà cứ như nói chuyện showbiz. Khi họp xong, Tony rủ đi ăn trưa, ông giám đốc gọi miết thì anh tài xế mới xuất hiện, vì anh đang trong phòng riêng đánh bài ăn tiền với các tài xế khác. Tony nói sao anh để vậy thì anh cười khà khà, nói kệ, anh em cả. Bữa nào bốn anh hội đồng quản trụy có mặt ở nhà máy, thì phòng giám đốc sẽ được đóng kín, các anh sẽ quánh bài tiến lên. Bốn người là đủ tay bài. Còn nếu chỉ có 2 anh, thì sẽ quánh cờ tướng, mỗi ván cả chục triệu.

Tony thấy doanh nghiệp vầy thì không ổn. Và đúng 4 năm sau thì nhà máy này rao bán. Vì đơn hàng xuất khẩu nào cũng bị trả lại hoặc tiêu hủy, lúc thì nhiễm vi sinh, lúc thì rơi cây kim trong bịch cá, xuất qua kia bị máy dò kim loại phát hiện, lúc thì cháy nổ do công nhân bất cẩn…Lỗ triền miên. Bữa họp cổ đông để bán nhà máy, trong 4 anh sáng lập viên, người đến muộn 15 phút, người đến muộn 2 tiếng, quýnh quáng bước vào phòng họp, gãi tai nói các lý do vô cùng quen thuộc như kẹt xe, lốp hỏng, đau bụng đột xuất, đưa mẹ đi bơi,…

Trên đường về lại Sài Gòn, anh S, đại diện công ty tài chính, giờ là cổ đông chính của nhà máy này, hỏi Tony chứ em biết vì sao họ rất giỏi, rất tài năng, nhưng cuối cùng phải bán nhà máy không. Vì tính kỷ luật là thứ DUY NHẤT họ thiếu. Họ chỉ có thể ĐẺ mà không thể NUÔI. Anh S nói anh sẽ không giữ ban giám đốc cũ, vì sợ là sự vô kỷ luật, sự xuề xòa của họ ảnh hưởng đến cả công ty, ai cũng bắt chước thì chết.

Nên các bạn trẻ, muốn có sự nghiệp, phải rèn tính kỷ luật cho CÁ NHÂN mình. Cái này đơn giản chỉ là sự RÈN LUYỆN. Quyết tâm 11h đêm ngủ là 11h đêm tắt đèn tắt máy tính đi ngủ. Đúng 5h sáng thức dậy là đúng 5h, vặn đồng hồ reng reng, bật dậy như lò xo. Tập thể dục là tập thể dục. Mệt cũng tập, trời lạnh cỡ nào cũng tập. Đến công sở trường học phải tuyệt đối đúng giờ, 8h học là 8h mở tập ra học. Giờ ăn là ăn, chơi là chơi, làm là làm. Ngồi cà phê với bạn bè là nói chuyện, tắt máy, không vừa nói chuyện vừa gián đoạn vì facebook hay tin nhắn. Kỷ luật khủng khiếp cho cá nhân mình, không nuông chiều cái lười, cái xuề xòa, cái “thôi kệ”. Và bạn bè cũng vậy, hạn chế chơi với thể loại vô kỷ luật, vì sẽ bị lây nhiễm. Khi học hành, chọn đội nhóm để làm bài tập chẳng hạn, chỉ chọn người có kỷ luật, không CẢ NỂ, mình cả nể là mình khổ. Đặc biệt trong làm ăn, người rủ mình mà kém kỷ luật, thì thôi. Vì hùn với họ, mình có cố gắng làm đến đâu đi nữa, cuối cùng cũng dẹp tiệm.

Bốn anh sáng lập viên nhà máy thủy sản kia, bán xong có chút tiền, rượu chè suốt. Rồi bất đắc chí, tới giờ khởi nghiệp lại vẫn chưa được, đành chạy xe ôm kiếm sống. Cứ chở khách đi ngang thì chỉ trỏ nói hồi xưa nhà máy này của tụi anh nè. Hằng ngày, 4 anh tụ tập với nhau ở quán cà phê, vừa ngồi chờ khách vừa quánh bài, ván giờ chỉ còn mười ngàn hai chục.

Nhưng cả bốn đều rất vui. Vì lúc nào cũng đủ tay bài. Enough hands to play cards. Always.

Kỹ năng Street Smart



100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70 



Bài 3: Kỹ năng Street Smart (SS)

Đây là kỹ năng quan trọng nhất mà một người làm ăn cần có.

Smart khác với intelligent ở chỗ là Intelligent thì IQ (chỉ số thông minh) phải cao, nhưng smart thì IQ và EQ (chỉ số cảm xúc) đều phải tương đối. Smart là thông minh thực tế, còn intelligent là thông minh hàn lâm. Ví dụ nói she is very intelligent, tức cô ấy học rất giỏi, nhưng nói she is very smart thì cô ấy phải biết phản ứng lại một cách thông minh, chứ không phải chỉ đưa cặp mắt cận nhìn đắm say người hỏi.

Street là đường phố. Như vậy SS chính là sự thông minh lanh lợi MÀ MÌNH CÓ ĐƯỢC từ đường phố. Đường phố có ai? Loại người gì có mặt ở trên phố? Ai cũng có. Chính vì vậy, việc ra phố và va chạm với đủ thể loại người, sẽ giúp mình có được SS.

Mọi doanh nhân thành công trên thế giới đều có SS. Ông A từng phải gõ cửa từng nhà bán tủ lạnh mới trở thành ông chủ nhà máy sản xuất điện tử lớn. Ông B phải từng làm cò đất kiếm chút hoa hồng trước khi có được hàng chục khu công nghiệp…Chính “street” đã dạy các ông ấy phải làm sao để kiếm tiền, và không mất tiền một cách “smart” nhất.

Các bạn nhớ câu chuyện “du hạc sinh và chuối hóa” chứ? Có anh tiến sĩ tài chính, mấy chục năm chưa về nước, vừa xuống sân bay ngơ ngác hỏi Bình Thạnh cách Tân Sơn Nhất bao nhiêu dặm hả em, thế là bị nó chạy vòng vòng mất hết mấy triệu. Vì anh tiến sĩ ấy quen sống trong tháp ngà, tốt nghiệp tiến sĩ, rồi vô các tòa cao ốc ở New York Paris, toàn gặp người mặc vét và nói chuyện đòn bẩy tài chính, chỉ số ROI riếc, nên đến một nước đang phát triển, nửa đêm nửa hôm, gặp anh lái taxi thì việc kể lể tôi là Việt Kiều 20 năm chưa về nước, tôi ôm một cục tiền về nước làm ăn, tôi giàu có thế này thế kia…thì bị nó chém đẹp là đúng rồi. Nên nhiều bạn đi chơi ở các nước như châu Phi chẳng hạn, về chê thế này thế kia vì các bạn không có SS. Ở cái xã hội đó, nó sẽ phải như vậy, xã hội đang phát triển cần thời gian để được tốt hơn, mình phải quen với nó, tự mình điều chỉnh cho phù hợp.

Các bạn cũng nhớ chuyện ở Davao? Tony đi vào một thị trấn trong núi rất xa thành phố, và nửa đêm check-in khách sạn, trên tường khách sạn vẫn còn vết đạn loang lổ của các lần chạm súng với lực lượng bắt cóc? Lúc đó, nếu mình tỏ ra đỏm dáng, nói tôi là doanh nhân đi đầu tư, có phòng VIP hem, có spa hem…thì nửa đêm nó vô bắt cóc ráng chịu. Còn nếu chỗ nguy hiểm mà ai hỏi, mình nói tôi là sinh viên đi du lịch, sẽ là sự an toàn cho tính mạng mình. Hay ở sân bay, người ta nhờ xách giùm hành lý qua cổng an ninh, chớ dại mà giúp đỡ. Ai biết trong đó có cái gì, lỡ ma túy thì sao. Nếu qua trót lọt thì tới kia, nó xin lại, mình chẳng được gì. Nếu không qua thì mình là người dính chưởng. Nếu người đó không đủ sức mang cái giỏ đó qua cổng an ninh, thì chẳng có khả năng xách cái giỏ đó từ nhà lên sân bay. Nên mình phải phán đoán chứ không phải ai cũng giúp. Kiểu ra nước ngoài gặp khủng bố làm rơi súng, nhặt lên đưa cho nó, nói súng của chú nè, lần sau cẩn thận hơn nghen chú.

Cách đây chục năm, có một sinh viên sang London học thạc sĩ. Nửa đêm, anh xuống tàu điện ngầm để đi về nhà, và vẫn như mọi khi, anh đứng chờ tàu ở vạch màu vàng cách đường ray 1m30. Lúc đó đã rất khuya, đang đứng thì có nhóm thanh niên người bản xứ đi nhậu về, say xỉn, đứng chung đợi tàu. Rồi họ đùa giỡn, đẩy anh xuống đường ray trong lúc tàu vừa tới. 12 năm phổ thông cha đưa mẹ rước, 4 năm đại học sáng đến trường chiều về nhà, anh không biết là với nhóm thanh niên say xỉn, mình không nên dây vào họ, không nên đứng gần họ. Nên các bạn trẻ cần có SS, để đảm bảo tính mạng cho bản thân mình, đặc biệt khi xa xứ, một mình…

Có nhiều bạn trẻ lâu lâu ra phố chơi, gặp bọn giang hồ vặt, nó chửi ví dụ ĐỤ MẸ, cái ngơ ngác hỏi chú ơi đụ mẹ nghĩa là gì? Vì xưa nay ở trường không ai nói, ở nhà thì bị cấm tiệt, đọc sách báo thì chỉ viết tắt là Đ.M, cứ tưởng Đan Mạch. Cái lấy Iphone ra mở từ điển ra dò nghĩa, bị giật mất ĐT, đứng khóc vang dội. Cho nên các bậc phụ huynh cứ mạnh dạn giáo dục cho con cái mình, từ đấy là xấu, không nên nói, nhưng không nên cách ly, phải cho ra phố. Vì có cách ly mãi được đâu. Mình không nói nhưng sẽ có người nói. Có nhiều người ra đường, đụng xe với mấy thằng choai choai, bèn xuống xe “làm cho ra lẽ”, “dạy cho bài học”…Nhưng vấn đề là có làm cho ra lẽ với bọn nó được không, hay tranh cãi một hồi thì nó đâm cho một phát. Nó đang tuổi nổi loạn, có biết sai biết đúng là gì, lại lúc điên tiết nữa. Tiết là máu, điên tiết là máu điên, máu này chảy lên não thì có biết gì nữa mà “ý thức giao thông” với “con nhà giáo dục, học lớp mấy”. Nên tránh bỏ đi, tránh voi chẳng xấu.

Trong làm ăn cũng vậy. Mình có SS để biết lúc nào cương, lúc nào nhu. Chứ hẻm phải cương miết, đứt mạch máu chết à. Còn nhu miết, nhũn miết thì làm ăn gì? Ví dụ. Giả sử cá lớn cắn câu, mình cố giật như thông thường, kết quả là dây câu sẽ đứt, cần sẽ gãy. Con cá đấy với lưỡi câu trong miệng, mấy ngày sau cũng sẽ chết. Hồ nước sẽ thối vì xác cá phân hủy. Cả ba đều lose-lose-lose, mất hết. Trong khi đó, với người có SS, họ sẽ thả dây ra lúc cá lớn cắn mồi. Để cá chạy vòng quanh, rồi từ từ thu dây câu lại. Rồi cá lại vùng lên, rồi mình lại thả ra rồi thu lại. Một hồi cá mệt, cái mình kéo lại gần bờ, dùng vợt vớt lên. Cần câu thì vẫn nguyên vẹn, con cá thì vẫn sống nếu được tháo lưỡi ra, thả lại dưới hồ hay đem bán đều có giá trị kinh tế, hồ nước vẫn trong xanh. Cả ba đều win-win-win, thắng hết.

Nguon:  fb/tonybuoisang

Những mái chèo lạc nhịp

Hôm nay cũng như thường lệ giới thiểu một bài viết của tonybuoisang nói về làm ăn mà ta nên học tập.

100 bài Dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70 



Bài 5: Những mái chèo lạc nhịp


Trong hùn hạp làm ăn, người ta nói “đồng hội đồng thuyền”, vì hình ảnh người ngồi trên thuyền phản ánh chính xác nhất cách chúng ta làm ăn với nhau. 

Thuyền nào cũng phải có 1 thuyền trưởng- tức người chỉ huy. Trên đường đi có lúc sóng yên gió lặng, nhưng cũng có lúc bão tố phong ba, vị thuyền trưởng phải là người có đạo đức, kinh nghiệm, khéo léo... để lèo lái. Rất nhiều con thuyền bị đắm, tức phá sản, nhưng cũng có nhiều con thuyền ngày một to hơn, đi ra biển lớn, cập bến bờ thành công.

Khi hùn hạp với nhau, người châu Á thường chỉ nói bằng miệng về luật chơi. Kiểu tao hùn 50, mày 50, lời lãi chia đôi. Vì cái NGẠI NGÙNG cố hữu, sự CẢ NỂ cổ truyền mệt mỏi cả ngàn năm nay. Họ nghĩ mới bắt tay làm ăn mà ràng buộc này nọ, mất lòng chết. Nhưng “mất lòng trước, được lòng sau”, QUYỀN LỢI và NGHĨA VỤ phải rõ ràng ngay từ đầu, đó là điều bắt buộc trong làm ăn, kể cả anh em ruột. Bản điều lệ của công ty hoặc thương vụ có 2 người góp vốn trở lên phải do cá nhân các người sáng lập soạn. Chứ không phải lấy cái form trên mạng xuống rồi in ra ký vào, nhưng chả buồn đọc, đụng chuyện nhao nhao cãi nhau như giặc. Cứ lấy điều lệ mà chiếu vào mọi bất đồng tranh chấp, anh phải làm gì, anh hưởng được bao nhiêu, nếu anh không làm thì, nếu anh không đi họp thì, nguyên tắc “quá bán” tức 51% chấp nhận thì phải tuân theo, không có chuyện tôi nằm trong 49% phản đối nên tôi làm khác, hôm đó tôi không có mặt nên tôi không biết. Nếu nói vậy thì tư duy của anh HOÀN TOÀN cá nhân chủ nghĩa, là TAY CHÈO LẠC NHỊP, không thể hùn hạp làm ăn được. Lúc này, nên yêu cầu anh ta ra khỏi thuyền. Chỉ một mái chèo khác đi, con thuyền có thể sẽ chòng chành xoay ngang, hoặc đi rất chậm. Nguyên tắc đồng thuận là bắt buộc của những người “đồng thuyền”.

Lần đầu tiên Tony sang Hà Lan học 1 khóa ngắn hạn về nông nghiệp, ở nhà trọ với 3 người nữa. Vừa xách vali vào, tụi nó bắt đọc NỘI QUY. Mình kiểu thôi đưa tao ký đại. Ba đứa kia không chịu, bắt đọc từng câu, hiểu rồi mới được ký. Nào là góp tiền mua cái này bao nhiêu, xài xong rồi cho ai. Không được dùng dầu gội của đứa khác, có cái bếp chung, chia thời gian ra nấu thế nào. Trong tủ lạnh cái gì của ai không được đụng đến, nếu đụng phải hỏi và mua trả lại. Rồi không được để nước chảy xuống sàn toilet, phân công chia ra lau nhà ngày nào, đi về khuya phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên, tiếp khách thế nào bạn bè tới chơi như thế nào, máy giặt máy sấy sử dụng ra sao. ra khỏi nhà phải tắt thiết bị gì…nếu vi phạm thì chế tài ra sao. Nếu xảy ra bắt cóc, khủng bố, cháy nổ thì xử lý ra sao, bình chữa cháy ở đâu, số ĐT cảnh sát bao nhiêu, cấp cứu bao nhiêu...Họ phân chia trong lúc "tang gia bối rối", ai làm gì chứ không đứng "bối rối" miết như ở ta. Hết 3 trang giấy cho cái nội quy, ban đầu thấy ức chế kinh khủng, mình quen tự do lộn xộn rồi, cứ theo khuôn khổ văn minh là phản đối. Nhưng nghĩ lại thấy nhớ thời nhà trọ của mình ở Việt Nam, bạn bè ở chung nhà cứ cả nể không nói, giận hờn cãi vả nhau suốt.

Ở phương Tây, trong một cuộc họp, người ta tranh cãi đập bàn đập ghế. Kiểu “tôi hoàn toàn không đồng ý với anh”, nhưng sau đó, họp xong, ra quyết định, mọi người đều RĂM RẮP tuân theo. Dù hôm trước anh khác biệt, nhưng VÌ LỢI ÍCH TẬP THỂ, anh phải TỪ BỎ CÁI TÔI CÁ NHÂN. Lợi ích tập thể có thì lợi ích cá nhân sẽ có, họ nghĩ dài, nghĩ khôn, nghĩ rộng. Lúc thảo luận, họ chỉ bàn bạc “CÁI GÌ ĐÚNG, CÁI GÌ SAI” nên dễ dàng bỏ qua mọi bất đồng. Ông O vẫn vui vẻ mời bà H làm trợ lý, dù hôm trước trên truyền hình hai bên đấu khẩu ghê gớm. Bà H cũng vui vẻ nhận lời, không cay cú sĩ diện vì là người thua. Tư duy Tây nhẹ nhàng, thông thoáng, nói thẳng, Yes/No rõ ràng, làm việc cùng rất thích.

Còn ở châu Á, thói quen vòng vo khiến mất thời gian. Kiểu “tôi hỏi chứ không phải, tôi tự hỏi là, thiết nghĩ, nên chăng, chẳng hay, tôi đồ rằng,…” nghe bắt mệt. Đụng chuyện, người châu Á tập trung vào “AI ĐÚNG, AI SAI”, ai cũng có CÁI TÔI to đùng cần bảo vệ, sợ mình buông ra thì người khác coi thường, nên rướn cổ lên để cãi và mọi giá PHẢI THẮNG. Rồi mạt sát nhau, lôi bằng cấp học vị, chuyện gia đình, giới tính, lôi mọi thứ ra NHẰM CHỨNG MINH người kia sai. Tony có quen anh bạn, anh nằm trong 6 người sáng lập một công ty cổ phần. Có lần công ty anh định lập chi nhánh ở nước ngoài, anh và 1 người nữa trong hội đồng quản trị phản đối. Nguyên tắc “quá bán”, bốn anh kia đồng ý, 4/2 nên quyết định vẫn ban hành. Anh không công nhận việc này, dù biên bản họp anh vẫn ký vào, nhưng “tao có đồng ý đâu, tại tụi kia đông quá”. Anh kể, thế là tao bắt đầu CHỨNG MINH 4 đứa kia sai. Tao tìm thấy bằng cấp của thằng A, nó học hệ tại chức thì sao có trình độ mà quyết việc này? Còn thằng B thì lăng nhăng, cặp con này con kia, nhân cách như vậy thì là đồ vứt. Thằng C người tỉnh X, dân tỉnh X thì không thể có quyết định đúng. Thằng D từng làm ăn và phá sản, nên luôn sai.

Tony nói chuyện cá nhân thì liên quan gì mà anh định kiến khủng khiếp vậy? Em thấy chuyện học hành bằng cấp, chuyện tình ái hay xuất thân từ đâu, hay chuyện quá khứ…đâu có liên quan chuyện làm ăn? Thành lập chi nhánh nếu tốt thì anh cũng hưởng lợi mà. Anh nói mày ngu quá, tao để yên như thế thì nhân viên đối tác nó khinh tao à. Thế là tao đổi chiến lược, tao giả vờ đồng ý, xin đi sang đấy phụ trách chi nhánh. Ở bển, tao xài tiền vô tội vạ, chi phí thật cao để 4 đứa kia thấy việc đặt chi nhánh là tốn kém. Tao cũng không thèm bán hàng, ai tới mua tao cũng từ chối, mục đích là không có doanh thu. Sau 1 năm cầm cự vì không hiệu quả, tao đã thành công mày ạ, chi nhánh đấy vừa đóng cửa. Ai sai, ai đúng...biết liền.

Các bạn trẻ thân mến. Trong làm ăn, nhất nhất phải rằng buộc bằng quy định điều lệ. Càng chi tiết càng tốt ngay từ đầu. Quy định ban đầu thế này, nhưng lúc sau có thể hoàn toàn khác. Không sao cả. Luật lệ là do con người tạo ra để quản lý cho dễ, nên phải được chỉnh sửa liên tục sao cho phù hợp hoàn cảnh thực tế phát sinh. Và mọi người phải chấp hành quy định mới đó, tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng trong suốt thời gian ngồi trên con thuyền. Có sự cố, thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời thuyền. Nguyên tắc hàng hải lẫn làm ăn.

Chúng ta không nên hợp tác với người SĨ DIỆN cao ngất, mệt mỏi lắm. Nếu bạn trẻ có bệnh SĨ, phải lập tức từ bỏ. Cũng không cho người vô kỷ luật lên thuyền, không thể chấp nhận có 1 đứa không mặc áo phao khi tất cả người khác đều mặc. Nếu nó khăng khăng làm theo ý nó, thì hãy để nó xuống thuyền, làm một mình, kiểu doanh nghiệp tư nhân hay công ty một thành viên. Bạn nào không nghe lời ai, “ai cũng không có quyền, chỉ mình ta là có quyền”, thì tốt nhất nên đi máy bay. Tiếp viên kêu thắt đai an toàn, mình nói to “mày kêu tiếng nữa tao hất ly nước nóng vào mặt”. Kêu tắt di động, mình mở nói ầm ĩ, nhiễu sóng phi công hết biết đường lái, bay đi Đà Lạt đáp xuống Cam Ranh, hành khách check-out xuống máy bay thảng thốt nói ố kìa “bên em là biển rộng”. Ai hướng dẫn cửa sổ cửa thoát hiểm gì mặc kệ, mình thích thì cứ mở ra hít khí trời. Họ đuổi xuống thì mình chống nạnh kiểu chụy mất gà đứng bên hàng rào nói xỉa xói qua: đây không thèm đâu nhá, đây có giá trị riêng của đây nhá. Đây sẽ mua máy bay tự lái nhá…

Vậy thôi, em chào chụy.

Nguồn: fb/tonybuoisang


Ánh mắt học trò

Ánh mắt học trò… – Cùng Tony Buổi Sáng thực hiện chương trình “Ánh mắt học trò là áo ấm mùa đông”, chương trình sẽ do CLB con dượng tại Hà Nội thực hiện vào cuối tháng 11 này.


“Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
Cái rét đầu đông, giật mình bật khóc
Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học
Cổ Ngư xưa, lặng lẽ dấu chân buồn”…

Đó là những câu thơ nguyên tác nhưng ít người biết của bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa“. Có một chi tiết trong bài thơ trên khiến Tony day dứt mãi, chính là hình ảnh “giật mình bật khóc” trong cái rét đầu đông. Từng sống ở Hàn Quốc hay Boston với cái lạnh âm cả chục độ, nhưng thật sự cái rét phương Bắc nước Việt mới là thử thách. Và lúc sống ở Hà Nội, thời đó nhà Tony chưa có máy điều hoà, có những đêm mùa đông giật mình và không sao ngủ lại được, vì cái rét cắt da ấy.

Nhưng cái rét ở Hà Nội thì chẳng là gì nếu so với cái rét ở các vùng núi phía Bắc. Những cơn gió mang cái lạnh thấu xương đến những ngôi nhà cheo leo trên núi. Và Tony tận mắt chứng kiến những buổi sáng ở những ngôi trường cấp một nơi bản xa, những thầy giáo, cô giáo đứng giảng bài, mặt tím tái vì lạnh. Dưới kia, hàng chục học sinh nhỏ xíu, đi chân đất, áo không đủ ấm, da mặt cháy đỏ, tay run rẩy cầm bút. Duy chỉ có ánh mắt ham học vẫn bừng sáng cả núi rừng. Và Tony hiểu, để giữ chân những người thầy, người cô vĩ đại này ở lại với các thôn bản xa xôi này, chính là những ánh mắt học trò tha thiết ấy.

Tony nhớ hồi cấp 2, lúc còn học ở trường Lương Thế Vinh, trong một đêm văn nghệ, cô Phương dạy tiếng Anh hát bài gì không rõ tựa, chỉ nhớ câu ” ánh mắt học trò, là áo ấm mùa đông”. Trời thì lạnh, ánh lửa trại bập bùng, giọng cô tha thiết. Tony lúc đó học lớp 6, 7 gì đó, nhỏ thó ngồi nhìn lên sân khấu, và nghĩ đến những thôn bản xa xôi, đến những người bạn đồng lứa với mình.

Và một mùa đông lại về. Những thầy cô nơi biên cương vẫn chống chọi với cái rét bằng ánh mắt học trò. Những đứa trẻ nơi rẻo cao lại nửa đêm “giật mình bật khóc“…

Nguồn :fb/tonybuoisang

Chuyện ở Bandung

Bandung là thành phố lớn thứ 3 ở Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. Cách thủ đô Jakarta 180km và nằm ở độ cao 768m so với mặt nước biển, Bandung rất giống Bảo Lộc. Với khí hậu khá mát mẻ, Bandung từng là xem xét là thủ đô của đất nước này dưới thời thuộc địa Hà Lan, vì tụi Tây thường sợ khí hậu nóng (toàn quyền Đông Dương ngày xưa cũng chọn Đà Lạt làm tổng hành dinh, người Tây hay mắc các bệnh nhiệt đới nếu họ sống ở xứ nóng nhiều năm).

Chỉ Số GDP


Tony ấn tượng nhất khi đến Bandung là cơ sở hạ tầng của thành phố. Anh bạn tên Roy lái xe chở Tony đi từ Jarkata, chỉ mất đúng 2h là đến được thành phố này (dù từ sân bay Jarkata đến được điểm đầu của đường cao tốc chỉ có 20km nhưng cũng mất 2 tiếng vì kẹt xe kinh khủng). Trước năm 2005, khi chưa có con đường cao tốc, Bandung vẫn còn là thành phố nghèo. Nông sản làm ra đổ đống cho bò ăn, y chang như cà chua, bắp cải ở Đà Lạt bây giờ. Rồi người dân Bandung đi tha phương cầu thực, vì để du lịch đến đây, người dân phải mất 6-7h vì đường quá xấu.

Đường cao tốc ở đây cho tư nhân đầu tư. Công ty tự thương lượng đền bù giải tỏa, tự xây, tự bán vé, ai muốn đi nhanh thì bỏ tiền ra đi trên đường này, muốn miễn phí thì đi dưới đường cũ, không có chuyện vừa miễn phí vừa đòi nhanh của nhóm người “cứ quyền lợi là đòi cho được”. Họ tự tu sửa bảo trì cho đường đẹp, đường xấu không ai đi, thua lỗ ráng chịu. Và rất nhiều công ty lớn của Indonesia tham gia kinh doanh đường cao tốc dưới hình thức này. Vì họ biết, có con đường CAO TỐC, là có TẤT CẢ.

Năm 2005, đường cao tốc này khánh thành, chỉ đúng 9 năm sau, Bandung trở thành một công chúa được đánh thức. Tony thấy trên đường, hàng hàng xe container nông sản lũ lượt kéo về cảng Jakarta để xuất. Các nhà máy dệt may dời về Bandung khá nhiều, vì chi phí sinh hoạt rẻ, lại có khí hậu mát mẻ, công nhân không có nóng nực bực mình mà kim đâm vào tay. Bandung trở thành nơi sản xuất quần áo hàng đầu Indonesia. Những nông sản cung cấp cho thành phố như rau củ, hoa, trái cây đặc biệt là dứa và bơ được trồng nhiều khủng khiếp. Các ngọn đồi hoang trước đây đều được các công ty đa quốc gia đến thuê để trồng dứa, chuối, rau…cung cấp cho cả Singapore. Giới trung lưu Jakarta hầu như ai cũng có nhà ở Bandung, cứ chiều thứ sáu tan ca là cả gia đình đèo nhau trên 1 chiếc xe bán tải, chạy thẳng lên đó, vô nhà ở những khu phố dưới rừng cây xanh mát, vườn tược xanh um. Tới chiều chủ nhật là họ đi về lại thủ đô, phía sau xe bán tải là nông sản của họ thu hoạch hoặc mua lại của hàng xóm.

Indonesia có trữ lượng dầu khí lớn, và có nhiều nhà máy lọc dầu, nên giá xăng rất rẻ, chỉ khoảng 14,000 đồng một lít. Dầu thì còn rẻ hơn. Các công ty vận tải nông sản từ Bandung về Jakarta đều được trợ giá xăng dầu để 1kg cà chua ở Bandung giá 0.5 USD thì ở Jakarta chỉ là 0.6 USD, nếu xe container chở nông sản và quần áo để XUẤT KHẨU, thì được miễn phí đi cao tốc (trình bộ chứng từ XK cho trạm gác).

Ở Bandung, đẹp nhất là ngọn núi lửa. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, dung nham trong miệng núi lửa vẫn lụp bụp sôi như mình nấu cháo. Những bong bóng vỡ ra, mùi lưu huỳnh nồng nàn. Bandung còn có nhiều suối nước nóng tắm rất tốt cho sức khỏe. Gần chân núi, có nhiều khu khách sạn nhà trọ, giá rất rất rẻ, họ dẫn nước suối này vào tận bồn tắm trong từng nhà. Các bồn tắm thường bằng xi măng, lọc tràn, lấy nước trực tiếp trong lòng núi chảy ra, thường không có mái che để mùi lưu huỳnh bay đi không gây hại.

Bữa đó Tony ở một resort trên đỉnh núi cao. Đêm đó trăng sáng, bồn tắm thì lộ thiên, xung quanh chỉ có bức tường cao đâu 3 mét. Tony trong trạng thái “hẻm mảnh vải che thân” đang khoan khoái nằm trong bồn nước, ngắm trăng và định đọc thơ, thì bỗng thấy trên ngọn cây cổ thụ trước mặt, có cái gì đó chuyển động bất thường. Rồi một bàn tay thò ra sau lưng. Tony rú lên 1 tiếng, rồi ngất…(nên không biết chuyện gì để kể tiếp theo). Tỉnh dậy thì thấy đang ngủ trong phòng, có mặc quần áo…Hết

Nguồn :fb/tonybuoisang