Khúc chiến ca của Mẹ Hổ Phần 11

Kỳ cuối: Cadenza



TTO - Hôm nay TTO đăng kỳ cuối cùng trong phần trích cuốn sách "Khúc chiến ca của mẹ hổ" của Amy Chua. Phần trích đăng cuốn sách khép lại, song lại gợi mở ra nhiều suy ngẫm trong giáo dục con cái của mỗi gia đình. Cám ơn bạn đọc đã theo dõi và hẹn gạp lại bạn đọc trong các cuốn sách khác.

Lulu thở dài. Tôi đang lái xe đưa các con tới trường trong tâm trạng thật tồi tệ. Sophia vừa mới nhắc tôi là Lễ hội Trung cổ lớp sáu của nó đang tới gần, và chẳng có gì làm tôi ghét hơn tất cả những lễ hội với lại các đề tài mà các trường tư luôn bày ra.

Thay vì bắt bọn trẻ học hành từ sách vở, các trường tư lại suốt ngày gắng sức biến việc học hành thành trò vui, khiến các ông bố bà mẹ phải làm hết mọi việc.

Với đề tài Hộ chiếu Vòng quanh Thế giới của Lulu, tôi đã chuẩn bị một món ăn của người Ecuado (thịt gà hầm bốn tiếng đồng hồ trong nồi đất, dùng với chuối chiên), đựng trong một món đồ tạo tác của Ecuado (một con lạc đà không bướu của Bolivia; nhưng chẳng ai biết sự khác biệt này cả), và kiếm được một người gốc Ecuado cho Lulu phỏng vấn (một sinh viên đã tốt nghiệp mà tôi chiêu mộ được). Công việc của Lulu là làm "hộ chiếu" - một tờ giấy gập lại làm tư và được ghi là "Hộ chiếu" - trình bày về lễ hội ẩm thực quốc tế, mô tả các món ăn của một trăm quốc gia, mỗi món đã được các ông bố, bà mẹ chuẩn bị sẵn.

Nhưng thế vẫn chưa sánh được với Lễ hội Trung cổ, đánh dấu năm học thứ sáu. Theo đó, mỗi học sinh phải có một trang phục tự may thời trung cổ, bộ đồ không thể đi thuê lén lút ở đâu đó hoặc trông quá đắt tiền. Mỗi học sinh phải mang đến một món ăn thời trung cổ được nấu nướng đúng kiểu thời trung cổ. Cuối cùng, mỗi học sinh phải xây dựng một ngôi nhà thời trung cổ.

Vì vậy mà tôi mới quạu cọ như vậy vào sáng ngày hôm đó, cố gắng tính toán xem thuê kiến trúc sư nào – và làm thế nào để chắc rằng đó không phải là bố mẹ một học sinh nào đó – Lulu lại thở dài lần nữa, dài dằng dặc luôn.

"Bạn Maya của con thật là may mắn," nó nói đầy thèm muốn, "Bạn ấy có rất nhiều vật nuôi. Hai con vẹt, một con chó, và cả một con cá vàng."

Tôi chẳng trả lời. Tôi vẫn đang suy nghĩ về vấn đề của Sophia.

"Và hai con chuột lang."

"Có thể vì thế nên bạn ấy vẫn chỉ đang tập vĩ cầm ở Quyển Một." Tôi trả lời. "Vì bạn ấy bận rộn với việc chăm sóc thú cưng mà."

"Ước gì con có một con."

"Con có một con rồi đấy thôi." Tôi ngắt lời. "Chiếc vĩ cầm chính là vật cưng của con đấy."

Tôi chưa bao giờ là người thích động vật, và không có con vật nuôi nào khi còn nhỏ. Tôi chưa từng làm một cuộc khảo sát tỉ mỉ nghiêm túc, nhưng tôi đoán rằng đa phần những gia đình Trung Quốc nhập ở Mỹ đều không có thú nuôi. Các bậc cha mẹ Trung Quốc quá bận rộn với giám sát con cái chặt chẽ thay vì đầu tư vào việc nuôi thú cưng. Lại nữa, họ cũng thường chặt chẽ trong việc tiền bạc - cha tôi từng đi một đôi giày suốt tám năm trời - và như vậy thì việc nuôi một con vật nào đó quả là một điều xa xỉ. Cuối cùng, người Trung Quốc có quan điểm khác hẳn về động vật, đặc biệt là loài chó.

Trong khi ở phương Tây, chó từ lâu được coi là người bạn trung thành, thì ở Trung Quốc chúng là một món ăn thông dụng. Nói ra điều này có thể gây khó chịu cho mọi người vì có cảm giác như bôi nhọ dân tộc, nhưng tiếc thay đó lại là sự thật. Thịt chó, đặc biệt là chó con, được coi là một món cao lương mỹ vị ở Trung Quốc, và thậm chí còn ở cả Hàn Quốc nữa kia. Tôi không bao giờ ăn thịt chó cả. Tôi thích Lassie. Chú chó Nero thông minh và trung thành của Caddie Woodlawn đã tìm được đường từ Boston về tới Wisconsin, là một trong những nhân vật yêu thích của tôi. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa việc không ăn thịt chó với nuôi một chú chó, và chẳng bao giờ tôi có một ý nghĩ mảy may nào là sẽ nuôi một chú chó trong nhà chúng tôi cả. Tôi chỉ đã không nhận ra một điều.

Trong thời đoạn ấy, những buổi luyện tập vĩ cầm của tôi với Lulu ngày càng khó khăn hơn. "Đừng có đe dọa con nữa đi." Nó nói. "Mẹ khiến con nhớ tới Chúa tể Voldermort (*). Con không thể chơi được nếu mẹ đứng sát con thế này."

Không như các bậc cha mẹ phương Tây, việc khiến bọn trẻ liên tưởng tới Chúa tể Volde¬mort chẳng ảnh hưởng gì đến tôi. Tôi chỉ cố gắng giữ được tập trung. "Tập thêm chút ít nữa thôi giúp mẹ, Lulu." Tôi thuyết phục nó. "Một chút này nhé: con chơi lại đoạn này, nhưng lần này giữ cho tiếng réo rắt thật hoàn hảo vào. Và chắc rằng con chuyển thật ngọt từ đoạn một sang đoạn ba nhé. Và nhớ là sử dụng cả cây vĩ, vì đoạn này chơi cực mạnh, và chỉ sử dụng một phần cây vĩ khi chơi nhanh ở đoạn cuối. Thêm nữa, đừng quên giữ ngón tay cái bên phải gập xuống, và ngón tay út bên trái cong lại. Tiếp tục nào - chơi đi."

Lulu nhấm nhẳn nói không làm. Đến khi tôi cáu điên lên, thì nó lại thản nhiên bảo, "Con xin lỗi? Mẹ muốn con chơi lại chỗ nào ạ?"

Tôi nhắc lại các chỉ dẫn thêm lần nữa, Lulu gảy rất mạnh vào các sợi dây như thể là nó đang chơi đàn banjo (**) vậy. Hoặc tệ hơn, con bé bắt đầu lắc lư cây đàn xung quanh như một cái thòng lọng cho đến khi tôi quát tháo ầm ĩ lên. Khi tôi bảo nó đứng thẳng người và cầm cây đàn lên, thì có lần nó lăn đùng ra sàn và giả như đã chết với cái lưỡi thè dài ra ngoài. Và luôn luôn lặp lại điệp khúc vĩnh cửu: "Chúng ta ngừng tập được chưa?"

Tuy nhiên cũng có những lần, Lulu tỏ vẻ thích thú với việc luyện đàn. Sau khi luyện tập với tôi xong, con bé còn muốn tự chơi một mình thêm nữa, quên cả thời gian, và khiến ngôi nhà tràn ngập những giai điệu đẹp đẽ. Con bé còn đòi được mang cây đàn tới trường, rồi trở về nhà đầy xúc động và vui sướng sau buổi đàn cho cả lớp nghe. Hay là chạy bay ra chỗ tôi đang ngồi bên chiếc máy tính kể lể: "Mẹ ơi, mẹ đoán xem bè yêu thích nhất của con trong âm nhạc của Back là gì đi!" Tôi cố gắng đoán - thực tế thì tôi thường đoán đúng khoảng 70% - và Lulu thường hỏi "Sao mẹ lại biết?" hoặc là "Không, đó là bè này cơ - nó không hay sao mẹ?"

Nếu những sự kiện này không diễn ra vào khoảng thời gian đó, chắc chắn là tôi đã từ bỏ rồi. Hoặc là không thể đảm đương nổi. Nhưng dù thế nào, như khi Sophia chơi dương cầm, tôi tràn trề hy vọng vào Lulu với cây vĩ cầm. Tôi muốn con bé chiến thắng trong cuộc thi biểu diễn concerto vĩ đại ở New Haven, như vậy nó cũng có thể chơi như một nghệ sỹ độc tấu tại Battell Chapel. Tôi muốn con bé trở thành người chỉ huy dàn nhạc của dàn nhạc trẻ tuyệt vời nhất. Tôi muốn con bé trở thành nghệ sỹ vĩ cầm xuất sắc nhất quốc gia - và đó mới chỉ là bắt đầu. Tôi biết đó là cách duy nhất để Lulu có thể hạnh phúc. Vì vậy Lulu càng làm mất thời gian bao nhiêu - cãi cùn với tôi, miễn cưỡng tập luyện hay là bày trò linh tinh - tôi càng bắt nó tập nhiều hơn. "Chúng ta sẽ phải tập bản nhạc này ngay," tôi nói với con bé, "thời gian luyện tập như thế nào tùy thuộc vào con. Chúng ta sẽ tập đến tận nửa đêm nếu cần thiết phải làm như thế." Và thi thoảng chúng tôi phải làm thế thật.

Một chiều, Lulu bảo; "Bạn Daniel rất kinh ngạc khi thấy con tập luyện nhiều như vậy. Bạn ấy không tin. Con nói là sáu tiếng một ngày và bạn đã - " và đến đây, Lulu bắt chước như Daniela với cái miệng há hốc vì kinh ngạc.

"Con chẳng cần phải nói là sáu tiếng đâu, Lulu - bạn ấy sẽ thấy ngay là con số đó sai lệch thế nào. Chỉ là sáu tiếng khi con bỏ phí mất năm tiếng trong số đó thôi."

Lulu tảng lờ đi. "Daniela thấy rất tiếc cho con. Bạn ấy hỏi con khi nào thì con có thời gian cho những việc khác. Nhưng con bảo bạn là chẳng bao giờ con có thời gian cho những chuyện vui vẻ cả, bởi vì con là người Trung Quốc mà."

Tôi ngậm chặt miệng và chẳng nói gì nữa. Lulu luôn luôn tìm kiếm các đồng minh, gây bè kéo cánh cho mình. Nhưng tôi chẳng thèm quan tâm. Ở Mỹ, mọi người thường sẽ ngả về phía Lulu. Nhưng tôi sẽ không để cho những thứ như vậy thành áp lực với mình. Có vài lần tôi thỏa hiệp, và thấy hối tiếc vì điều đó.

Ví dụ như có lần, tôi cho phép Sophia tham dự vào một bữa tiệc qua đêm. Đó là một ngoại lệ. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường bảo, "Tại sao con lại muốn ngủ ở nhà một người khác? Có vấn đề gì với nhà mình à?" Khi làm mẹ, tôi cũng đặt mình vào địa vị đó, nhưng lần này, Sophia năn nỉ ỉ ôi suốt, và trong một giây phút yếu đuối hiếm hoi, cuối cùng tôi mềm lòng. Sáng hôm sau, Sophia trở về không chỉ mệt nhoài (và không thể nào tập đàn cho ra hồn được) mà còn cáu gắt, khổ sở nữa. Hóa ra là ngủ ở ngoài chẳng hay ho gì với hầu hết bọn trẻ - đó chính là một kiểu trừng phạt mà các ông bố bà mẹ vô tình gây ra cho con cái mình qua tính buông thả, dễ dãi của họ. Sau khi moi được thông tin từ Sophia, tôi biết được rằng A, B, và C không chơi với D; B nói xấu về E khi E không có ở trong phòng; và F cũng ở tuổi 12 thì kể lể suốt đêm về những thành tích ái tình của mình. Sophia không cần thiết phải biết được sự xấu xa nhất của xã hội phương Tây, và tôi sẽ không để những điều vô vị kiểu như "Trẻ em cần phải khám phá" hay là "Chúng cần được mắc lỗi lầm" khiến tôi lầm đường lạc lối.

Có rất nhiều điều người Trung Quốc hành xử khác hẳn với người phương Tây, ví dụ như câu hỏi để được thêm điểm chẳng hạn. Một lần, Lulu về nhà và khoe với tôi về bài kiểm tra toán mà nó vừa làm. Con bé nói là nó nghĩ là đã làm bài kiểm tra vô cùng hoàn hảo, đây chính là lý do con bé cảm thấy không cần thiết phải làm nốt phần câu hỏi thêm điểm nữa.

Tôi lặng đi trong giây lát, không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi hỏi: "Tại sao lại không? Tại sao con không làm chúng?"

"Con không muốn bị lỡ mất giờ ra chơi."

Một nguyên tắc cơ bản của người Trung Quốc là bạn luôn phải làm tất cả các phần thêm điểm bằng bất cứ giá nào.

"Tại sao?" Lulu hỏi tôi khi tôi giải thích điều này với nó.

Với tôi, hỏi điều này giống như hỏi tại sao tôi phải thở vậy.

Lulu thêm vào: "Chẳng bạn nào làm nó hết."

"Không đúng," tôi nói. "Mẹ đảm bảo 100% là Amy và Junno đã làm phần đó." Amy và Junno là những đứa trẻ người châu Á ở trong lớp của Lulu. Và tôi đã đúng; Lulu thừa nhận điều đó.

"Nhưng Rashad và Ian cũng làm phần thêm điểm đó, và các bạn ấy đâu phải người châu Á". Con bé nói thêm.

"Ái chà! Rất nhiều bạn bè đã làm phần thêm điểm! Mà mẹ không hề nói chỉ có người châu Á mới làm phần này. Bất kỳ bạn nào có bố mẹ tử tế đều biết là họ phải làm phần thêm điểm. Mẹ vô cùng sửng sốt, Lulu. Thầy cô sẽ nghĩ gì về con? Con đã mải chơi đến mức bỏ qua phần thêm điểm?" Tôi suýt phát khóc lên. "Phần thêm điểm không phải chỉ là phần làm thêm. Đó chính là điểm số. Đó cũng chính là thứ phân biệt giữa học sinh giỏi và học sinh kém đấy."

"Ôi – ra chơi mới thích làm sao." Lulu khiêu chiến như một sự bùng nổ sau cùng. Nhưng sau rốt, Lulu cũng như Sophia đã luôn làm phần thêm điểm ở các bài kiểm tra. Thỉnh thoảng, các con gái của tôi được cao hơn cả điểm của bài kiểm tra từ phần thêm điểm này - một điều ngớ ngẩn không bao giờ có ở Trung Quốc. Phần thêm điểm là một lý do khiến các học sinh người châu Á giành được thứ hạng giỏi giang khét tiếng ở nước Mỹ.

Rèn luyện kiểu học vẹt cũng là một vấn đề. Một lần, Sophia xếp thứ nhì trong bài kiểm tra tính nhẩm nhanh mà giáo viên lớp năm của nó đặt ra thứ Sáu hàng tuần. Con bé thua một bạn trai người Hàn Quốc - Yoonseok. Suốt tuần sau đó, tối tối, tôi bắt Sophia làm tới 20 bài kiểm tra luyện tập phần đó (với khoảng 100 phép toán mỗi bài), tôi tính giờ cho con bé bằng một chiếc đồng hồ bấm giờ. Cuối cùng, con bé luôn luôn đứng đầu lớp. Khổ thân Yoonseok. Thằng bé đã quay trở lại Hàn Quốc cùng với gia đình, nhưng chắc chắn không phải vì những bài kiểm tra tính nhanh đâu.

Luyện tập nhiều hơn những người khác cũng là lý do khiến trẻ em châu Á vượt trội ở những nhạc viện hàng đầu. Đó là cách thức Lulu gây ấn tượng với thầy Shugart thứ Bảy hàng tuần với sự tiến bộ nhanh chóng của nó. "Em nắm bắt vấn đề rất nhanh. Em sẽ trở thành một nghệ sỹ vĩ cầm vĩ đại." Thầy thường nói như vậy.

Mùa thu năm 2005, Lulu lên chín, thầy Shugart bảo, "Lulu này, thầy nghĩ là em chơi được bản concerto rồi đấy. Em nghĩ sao nếu chúng ta ngừng tập theo sách của Suzuki?" Thầy muốn con bé học bản concerto số 23 của Viotti cung Son trưởng. "Nếu em tập luyện chăm chỉ, tôi cược rằng em có thể chơi được phần đầu trong buổi biểu diễn độc tấu vào mùa đông, Lulu ạ." Thầy thận trọng nói thêm, "Vấn đề duy nhất là, đây lại là phần khó nhằn nhất của bản nhạc này." Thầy Shugart đầy mưu mẹo và rất hiểu Lulu. Cadenza (***) là một phần đặc biệt, thường gần ở đoạn cuối của một bản concerto mà các nghệ sỹ độc tấu thường chơi không có nhạc đệm. "Đây cũng là một cơ hội để chứng tỏ tài năng," thầy Shugart nói thêm, "nhưng nó thực sự rất dài và khó chơi. Hầu hết bọn trẻ ở tuổi em đều không thể nào chơi được."

Lulu hết sức chăm chú: "Nó dài chừng nào ạ?" "Phần cadenza ấy à?" Thầy Shugart hỏi, "Ôi, dài lắm. Khoảng một trang đấy."

"Em nghĩ là em có thể chơi được," Lulu trả lời. Con bé vô cùng quả quyết, và, miễn là tôi đừng ép buộc nó, con bé thích thú với thử thách.

Chúng tôi lao vào tập luyện Viotti và cuộc chiến bắt đầu leo thang. "Từ từ thôi mẹ ơi," con bé bực tức nói. "Mẹ lại cáu kỉnh và nói ra toàn những điều buồn cười rồi đấy. Chúng ta vẫn còn một tháng để luyện tập cơ mà." Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là việc tập luyện trước mắt. Mặc dù khá đơn giản, bản concerto của Viotti là một bước tiếp nối lớn từ những gì Lulu vẫn thường luyện tập. Phần cadenza đầy những đoạn lướt nhanh trên dây cũng như những chỗ "ngắt hai" và "ngắt ba" – các nốt được chơi cùng lúc với hai hoặc ba dây khác nhau, giống như các hợp âm khi chơi dương cầm – rất khó chơi cho chuẩn được.

Tôi muốn phần cadenza này phải được chơi thật hay. Nó trở thành một nỗi ám ảnh với tôi. Các phần còn lại của Viotti đều ổn thỏa - những phần đó đều khá là cơ bản - nhưng thầy Shugart nói đúng: phần cadenza làm nên toàn bộ giá trị của bản nhạc. Và khoảng một tuần trước khi biểu diễn, tôi nhận ra rằng phần trình diễn của Lulu có khả năng hấp dẫn tuyệt vời. Con bé chơi những đoạn du dương vô cùng sắc sảo; không hiểu sao bản nhạc lại hợp với con bé như vậy. Nhưng còn lâu mới đạt tuyệt đỉnh với những đoạn yêu cầu kỹ thuật tinh vi – đặc biệt là một loạt những đoạn ngắt quãng hai - lướt dây gần cuối. Trong suốt quá trình luyện tập, Lulu thường xuyên bị vấp hoặc chơi lỗi những đoạn này. Nếu tâm trạng của con bé thoải mái và tập trung, thì nó có thể chơi được. Còn nếu Lulu thấy khó chịu hoặc tức tối, thì lập tức phần cadenza trở nên nhạt thếch. Điều tồi tệ nhất là tôi không kiểm soát được tâm trạng đó.

Cuối cùng, tôi đã được mặc khải. "Lulu, mẹ có một đề nghị." Con bé rên lên: "Ôi, không, không chơi lại nữa đâu." "Cái này hay lắm, Lulu. Con sẽ thích đấy." "Cái gì cơ – tập hai tiếng nữa và con không phải dọn bàn ăn chứ gì? Không đâu, cảm ơn mẹ."

"Lulu, nghe này. Nếu con chơi phần cadenza hoàn hảo vào thứ Bảy tới - chơi hay hơn bất cứ lần nào con từng chơi ấy - mẹ sẽ cho con một thứ mà con không tin nổi đâu, một thứ mà mẹ chắc rằng con sẽ rất thích đấy."

Lulu tỏ ra đầy khinh miệt. "Ý mẹ là bánh quy á? Hay là năm phút chơi điện tử?" Tôi lắc đầu. "Một thứ cực kỳ đáng kinh ngạc, đến mức con không thể chối từ." "Một ngày được nghỉ tập á?" Tôi vẫn lắc đầu. "Hay là sô cô la?" Tôi lắc đầu lần nữa, và đến lượt tôi tỏ ra khinh thị. "Con cho là mẹ nghĩ con không thể từ chối sô cô la? Mẹ chắc là con bản lĩnh hơn thế chứ, Lulu. Mẹ đang nghĩ đến một thứ mà con chẳng bao giờ đoán nổi đâu."

Và tôi đã đúng. Con bé chẳng bao giờ đoán được, bởi lẽ nó vượt quá xa khỏi khả năng thực tế cho phép. Cuối cùng, tôi nói với Lulu. "Đó là một con thú cưng. Một chú chó. Nếu con chơi được phần cadenza tuyệt đỉnh vào thứ Bảy này thì mẹ sẽ mua một chú chó."

Lần đầu tiên trong đời Lulu đứng chết lặng. "Một… con chó?" Con bé lặp lại. "Một con chó thật?" Nó thêm vào đầy hoài nghi.

"Đúng thế. Một chú chó con. Con và chị Sophia có thể chọn xem giống gì."

Đó chính là cách tôi đã qua mặt con bé, và điều đó đã thay đổi cuộc đời chúng tôi mãi mãi.

*********************

(*) Chúa tể Voldemort là nhân vật phản diện chính trong bộ truyện Harry Potter của nhà văn J. K. Rowling. Voldemort là trùm phù thủy hắc ám nhất, nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của thế giới phù thủy.

(**) Đàn banjo: đàn gảy có bốn hoặc năm dây kim loại, hộp cộng hưởng hình tròn, cần dài, mặt bưng da thuộc. Đàn banjo đầu tiên do những nô lệ da đen tại châu Mỹ làm ra, mô phỏng loại nhạc cụ của quê hương họ trước đây. Ngày nay đàn banjo là một nhạc cụ rất được ưa dùng cho thể loại nhạc đồng quê và nhạc blue..

(***) Đoạn nhạc được độc tấu ở cuối một phần trong một bản concerto.

AMY CHUA

Khúc chiến ca của Mẹ Hổ Phần 10

Kỳ 10: Những dấu răng và bọt nước



'TTO - Các ông bố bà mẹ Trung Quốc thường có thể xoay xở được với mọi điều mà các bậc phụ mẫu phương Tây không thể làm được.
Một lần, khi tôi còn nhỏ - mà có thể không chỉ một lần - khi tôi sấc sược tỏ ra vô lễ với mẹ, bố tôi đã giận dữ gọi tôi là "đồ rác rưởi" bằng phương ngữ Phúc Kiến của chúng tôi. Điều này có tác động thật kỳ diệu. Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ về những điều mình đã làm. Nhưng điều này không hề động chạm gì đến lòng tự trọng của tôi hay bất cứ thứ gì tương tự như thế. Tôi biết chính xác bố tôi đã đánh giá cao tôi như thế nào. Thực sự tôi không hề nghĩ mình là thứ vô tích sự hay cảm thấy mình giống như một thứ rác rưởi.

Khi đã làm mẹ, có một lần tôi cũng làm điều ấy với Sophia, tôi gọi con là rác rưởi bằng tiếng Anh khi nó cư xử hỗn láo với tôi. Việc này xảy ra trong một bữa tiệc, và ngay lập tức tôi bị tẩy chay. Một vị khách tên là Marchy vô cùng khó chịu, cô ấy phát khóc lên và bỏ về sớm. Chủ nhà - cô bạn Susan của tôi - đã cố gắng thanh minh thay cho tôi với những vị khách còn lại.

"Trời ơi, có chút hiểu lầm ở đây. Amy chỉ nói bóng gió thế thôi - phải không nào Amy? Chị không thực lòng coi Sophia là ‘rác rưởi’."

"À, vâng, đúng thế. Nhưng nó đúng ở trong ngữ cảnh đó," tôi cố gắng giải thích. "Người Trung Quốc nhập cư chúng tôi thường nói vậy."

"Nhưng chị đâu phải là người Trung Quốc nhập cư," ai đó nhắc nhở tôi."Đúng thế," tôi thừa nhận. "Dĩ nhiên là không phải lúc nào cũng vậy."

Thực ra tôi chỉ cố gắng giữ hòa khí. Nhưng, việc này có hiệu quả tốt với Sophia.

Thực tế là các bậc phụ mẫu Trung Quốc có thể làm những điều dường như là không tưởng đối với người phương Tây - thậm chí cả những hành động có thể đem ra kiện tụng theo pháp luật được. Những người mẹ Trung Quốc có thể nói với các con gái của mình rằng, "Này đồ béo ị kia - giảm cân ngay đi." Ngược lại, các bậc cha mẹ phương Tây lại phải lòng vòng khi nói về vấn đề đó, bằng cách nói về "sức khỏe" và chẳng bao giờ dám đụng chạm đến các từ bắt đầu bằng chữ "b" ấy.

Và kết quả là con cái họ vẫn phải dùng đến liệu pháp tâm lý để điều trị việc ăn uống bừa bãi và chán ghét bản thân mình. (Có lần tôi cũng nghe thấy một ông bố phương Tây chúc mừng cô con gái đã trưởng thành của mình bằng việc bảo rằng cô ấy "xinh đẹp và giỏi giang không ngờ". Sau đó, cô gái nói với tôi rằng điều ấy khiến cô ấy cảm thấy như mình là một thứ bỏ đi vậy). Người Trung Quốc có thể thẳng thừng ra lệnh cho con cái trong khi các ông bố bà mẹ phương Tây chỉ có thể yêu cầu con cái cố gắng hết sức mình.

Là người Trung Quốc, cha mẹ có thể nói, "Đồ lười biếng. Tất cả bạn bè trong lớp đều đã tiến bộ vượt con rồi." Ngược lại, các bậc cha mẹ phương Tây phải đấu tranh với những cảm xúc trái ngược của chính mình về thành tích, và cố gắng thuyết phục bản thân rằng họ chẳng hề thất vọng về việc con cái mình đã bị loại ra sao.

Tôi đã suy nghĩ rất lung trong thời gian dài về việc các ông bố bà mẹ Trung Quốc có thể thoát khỏi những điều họ làm thế nào. Tôi nghĩ có ba khác biệt lớn về hệ tư tưởng giữa các bậc cha mẹ Trung Quốc và phương Tây.

Thứ nhất, tôi thấy rằng các bậc phụ mẫu phương Tây lo lắng thái quá về lòng tự trọng của con cái họ. Họ lo về việc con cái họ sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng thất bại trong việc gì đó, và họ luôn luôn cố gắng cam đoan với con cái rằng chúng giỏi giang ra sao, cho dù kết quả của một bài kiểm tra hay một buổi biểu diễn có xoàng xĩnh đi nữa. Nói cách khác, các ông bố bà mẹ phương Tây luôn lo lắng về mặt tinh thần của con cái mình. Còn các bậc phụ mẫu Trung Quốc thì không. Họ coi trọng sức mạnh, chứ không phải sự yếu đuối, và kết quả là họ cư xử khác hẳn.

Ví dụ, nếu một đứa trẻ về nhà với một bài kiểm tra được điểm A trừ (-), một đấng phụ mẫu phương Tây rất có thể sẽ hết lời khen ngợi nó. Còn bà mẹ Trung Quốc sẽ há hốc miệng ra đầy kinh hãi và hỏi xem sai ở chỗ nào. Nếu đứa trẻ được điểm B, vài bậc cha mẹ phương Tây vẫn có thể khen ngợi. Một vài bậc phụ mẫu phương Tây sẽ bắt nó ngồi xuống và trách cứ con, nhưng họ sẽ cẩn trọng để không khiến đứa trẻ cảm thấy bất bình hay sợ hãi, và họ sẽ không mắng con cái là "ngu xuẩn", "vô tích sự", hay gọi nó là "mối nhục".

Nói một cách kín đáo, các bậc cha mẹ phương Tây có thể lo lắng rằng con cái họ không thực hiện tốt bài kiểm tra hoặc không có năng khiếu về môn đó hay là có gì đó không ổn trong việc giảng dạy và ở môi trường giáo dục của trường. Nếu điểm số của con cái không tăng, việc cuối cùng họ có thể làm là thu xếp một cuộc gặp gỡ với hiệu trưởng để bày tỏ mối nghi ngại về cách dạy môn học đó, hoặc nghi ngờ năng lực của giáo viên.

Nếu một đứa trẻ Trung Quốc bị điểm B - điều này chẳng bao giờ xảy ra - thì việc đầu tiên sẽ là nổ bùng một cơn giận dữ với gào la thét lác, vò tóc bứt tai. Sau đó, người mẹ Trung Quốc điên cuồng sẽ đưa ra cả tá mà có thể tới cả trăm bài kiểm tra luyện tập, và làm chúng cùng với con cái mình đến chừng nào nó đạt được điểm A mới thôi. Các ông bố bà mẹ Trung Quốc thường đòi hỏi điểm số hoàn hảo vì họ tin rằng con mình có thể đạt được chúng. Nếu con cái họ không đạt được điều kỳ vọng ấy, các bậc cha mẹ người Trung Quốc cho rằng chỉ có một lý do vì đứa trẻ đã không chăm chỉ đúng mức.

Đó là lý do tại sao giải pháp cho những điểm số không đạt yêu cầu luôn là mắng mỏ tới nơi, trừng phạt, và hạ nhục con cái. Các bậc cha mẹ người Trung Quốc tin rằng con cái mình sẽ đủ sức chịu đựng nỗi hổ thẹn và từ đó mà tiến bộ hơn. (Và khi một đứa trẻ Trung Quốc làm được điều gì đó giỏi giang, chúng sẽ nhận được đầy ắp những khen ngợi không tiếc lời của cha mẹ khi ở nhà).

Thứ hai, các ông bố bà mẹ Trung Quốc tin rằng con cái mang ơn họ về tất thảy. Lý do của điều này chẳng mấy rõ ràng, nhưng chắc chắn là một sự kết hợp giữa lòng hiếu thảo của Đạo Khổng với thực tế là các bậc cha mẹ đã hy sinh và làm rất nhiều điều cho con cái mình. (Và thực tế là các bà mẹ Trung Quốc nằm gai nếm mật, bỏ ra hàng giờ đồng hồ dài dặc mệt nhoài đích thân kèm cặp, dạy dỗ, khảo bài, và kiểm tra con cái). Dù gì đi nữa, cần hiểu rằng trẻ em Trung Quốc phải khôn lớn để trả ơn bố mẹ bằng việc vâng lời và khiến họ tự hào.

Ngược lại, tôi không nghĩ người phương Tây có cùng quan điểm về món nợ trường kỳ của con cái với bố mẹ như vậy. Jed có quan điểm hoàn toàn trái ngược với tôi, "Trẻ con đâu có chọn bố mẹ cho mình," có lần Jed nói với tôi. "Chúng thậm chí còn chẳng được lựa chọn là có ra đời hay không nữa kia. Chính các bậc cha mẹ đã khiến chúng ra đời, vì vậy họ phải có trách nhiệm nuôi nấng chúng chứ. Trẻ con chẳng nợ nần gì bố mẹ cả. Các ông bố bà mẹ có bổn phận phải lo cho con cái của mình." Quan niệm kiểu này biến tôi thành một thứ rất tệ hại trong mắt các bậc phụ mẫu phương Tây.

Thứ ba, các bậc cha mẹ Trung Quốc tin rằng họ biết rõ cái gì là tốt nhất cho con cái mình, vì vậy họ chẳng thèm đếm xỉa đến mong muốn và sở thích của chính bọn trẻ. Đó là lý do tại sao các cô con gái người Trung Quốc không thể có bạn trai ở trường trung học, và tại sao trẻ em Trung Quốc không được phép ngủ qua đêm ở trại hè. Đó cũng là lý do tại sao không một đứa trẻ Trung Quốc nào dám nói với mẹ chúng rằng, "Con đóng một vai trong vở kịch ở trường! Con là Villager Thứ Sáu. Con phải ở lại trường để diễn tập hàng ngày từ 3 giờ đến 7 giờ, và con cũng phải đi vào các cuối tuần nữa." Cầu Chúa cứu giúp cho bất kỳ đứa trẻ Trung Quốc nào cố gắng làm điều này.

Xin đừng hiểu lầm tôi: Điều đó không có nghĩa là các bậc phụ mẫu Trung Quốc không quan tâm đến con cái họ. Mà ngược lại hoàn toàn. Họ sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi thứ vì con cái mình. Đây chỉ là một kiểu dạy dỗ con cái hoàn toàn khác biệt mà thôi. Tôi suy nghĩ về vấn đề này như người Trung Quốc, nhưng tôi biết rất nhiều bậc cha mẹ không phải là người Trung Quốc – thường là người Hàn Quốc, Ấn Độ, hoặc Pakistan – cũng có tư tưởng giống như vậy, vì vậy có thể đó là một vấn đề của người nhập cư. Hoặc có thể là sự kết hợp giữa người nhập cư với vài nền văn hóa khác.

Jed lại được nuôi dạy theo một kiểu rất khác. Cả bố lẫn mẹ Jed đều không phải người nhập cư. Sy và Florence cùng sinh ra và lớn lên ở gần Scranton, Pennsylvania, trong một gia đình Do Thái chính thống nghiêm khắc. Cả hai đều mất mẹ từ khi còn nhỏ, đều có tuổi thơ đau buồn và không mấy dễ chịu. Sau khi lấy nhau, họ lập tức rời khỏi Pennsylvania ngay khi có thể, cuối cùng đã ổn định cuộc sống ở Washington - Jed và các anh trai chị gái đều lớn lên ở đây. Khi làm cha mẹ, Sy và Florence quyết định sẽ cho con cái không gian riêng và được tự do, thứ mà họ không có được khi còn nhỏ. Họ tin tưởng vào lựa chọn cá nhân và giá trị của độc lập, sáng tạo cũng như những đòi hỏi về quyền hạn trong một chừng mực nào đó.

Đó là một thế giới khác hẳn với thế giới của cha mẹ tôi. Bố mẹ Jed cho phép anh lựa chọn việc anh muốn hay không muốn chơi vĩ cầm (anh ấy đã từ chối và giờ thì hối hận) và coi anh ấy như một người trưởng thành có quan điểm riêng. Cha mẹ tôi không bao giờ cho tôi bất kỳ lựa chọn nào, và không bao giờ hỏi ý kiến tôi về bất cứ điều gì. Hàng năm, bố mẹ Jed để cho anh được vui chơi suốt cả mùa hè với anh trai và chị gái ở một ngôi nhà thuộc vùng thôn quê được gọi là Crystal Lake (Hồ Pha lê); Jed nói rằng đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình, và chúng tôi cố gắng đưa Sophia và Lulu tới Hồ Pha lê khi nào có thể.

Trái lại, tôi lại phải mang theo máy tính đã được lập trình - tôi ghét mùa hè. (Katrin cũng vậy. Đó là cô em gái kém tôi bảy tuổi và là bạn tâm giao của tôi, rất giỏi lập trình máy tính, đã phải ngấu nghiến hết các loại sách về ngữ pháp và tự học các mẫu câu để giết thời gian). Bố mẹ Jed có khiếu thẩm mỹ tốt và tài nghệ riêng. Còn cha mẹ tôi thì không. Bố mẹ Jed chi trả một phần chứ không phải là tất cả chi phí học tập của anh ấy. Còn cha mẹ tôi thì luôn chi trả tất cả, nhưng họ luôn trông đợi được chăm sóc, đối xử kính trọng và tận tâm từ con cái khi họ già cả. Bố mẹ Jed thì, dĩ nhiên, chẳng bao giờ có niềm hy vọng đó cả.

Bố mẹ Jed thường đi nghỉ mà không đem con cái cùng đi. Họ đi du lịch cùng với bạn bè tới những nơi đầy nguy hiểm kiểu như Guatemala (nơi đầy rẫy những kẻ bắt cóc tống tiền), Zimbabwe (nơi người ta vẫn còn săn bắt hái lượm), hay Borobudur, hoặc Indonesia (nơi họ đã nghe được gamelan). Cha mẹ tôi không bao giờ đi nghỉ mà không có con cái cùng đi, điều đó có nghĩa là chúng tôi nghỉ ở trong những nhà nghỉ rẻ tiền. Thêm nữa, từng lớn lên ở các nước đang phát triển, bố mẹ tôi không bao giờ đến Guatemala, Zimbabwe, hay Borobudur dù thậm chí nếu có ai đó đề nghị chi trả cho họ; thay vì đó họ tới các nước châu Âu, nơi được các Chính phủ bảo hộ.

Mặc dù tôi và Jed không bàn bạc dứt khoát về việc này, nhưng về cơ bản chúng tôi duy trì cách nuôi dạy con cái của người Trung Quốc trong gia đình. Có một vài lý do về chuyện này. Thứ nhất, giống như nhiều bà mẹ khác, chủ yếu là tôi thực hiện công việc dạy dỗ con cái, điều này khiến cho cách dạy dỗ của tôi chiếm ưu thế hơn. Dù tôi và Jed có chung nghề nghiệp và tôi cũng bận chẳng kém gì anh ấy ở Yale, nhưng tôi mới là người phải đôn đốc các con làm bài tập về nhà, luyện tiếng mẹ đẻ và tập tất thảy các bản nhạc cho cả dương cầm lẫn vĩ cầm.

Thứ hai, ngoại trừ quan điểm của tôi, Jed ủng hộ việc nuôi dạy con cái nghiêm khắc. Anh ấy thường phàn nàn về những gia đình mà các ông bố bà mẹ không bao giờ nói "không" với con cái - hoặc là tệ hơn, nói "không" nhưng lại buộc chúng phải tuân theo. Nhưng khi Jed rất giỏi việc nói "không" với hai cô con gái, anh ấy lại chẳng hề kiên quyết với chúng. Anh ấy chẳng bao giờ ép buộc những việc như chơi đàn với các con nếu chúng đã từ chối. Anh ấy chẳng hề biết lựa chọn nào là đúng đắn cho các con. Và khi đó, tôi xuất hiện.

Nhưng chắc chắn điều quan trọng nhất, chúng tôi bị gắn với "phương thức" Trung Quốc này bởi vì những kết quả đến sớm tới mức khó có thể chối cãi. Các bậc phụ mẫu khác hỏi han liên tục về bí mật của chúng tôi. Sophia và Lulu là những đứa trẻ gương mẫu. Ở chốn đông người, chúng rất lễ phép, biết quan tâm, biết việc, và nói năng đâu ra đấy. Chúng là những học sinh hạng A, và Sophia vượt xa các bạn cùng lớp đến hai năm về môn toán. Chúng cũng nói trôi chảy tiếng Quan thoại. Và tất cả mọi người đều kinh ngạc trước khả năng chơi nhạc cổ điển của chúng. Nói một cách ngắn gọn, chúng giống hệt một hình mẫu trẻ em Trung Quốc.

Nhưng cũng không hoàn toàn vậy. Lần đầu tiên chúng tôi cùng các con về Trung Quốc năm 1999. Sophia và Lulu đều tóc nâu, mắt nâu, và chẳng mang một nét đặc trưng châu Á nào; nhưng chúng đều nói tiếng Trung. Sophia ăn được tất cả các món lục phủ ngũ tạng của tất cả các loại sinh vật - chân vịt, tai lợn, ốc biển - một trong những đặc điểm nhận dạng người Trung Quốc bị chỉ trích ở khắp nơi trên thế giới.

Ở tất cả mọi nơi chúng tôi đến trên đất Trung Quốc, thậm chí cả thành phố quốc tế Thượng Hải, các con gái tôi đều thu hút được sự hiếu kỳ của đám đông người địa phương, họ nhìn chúng chằm chằm, cười rúc rích, và chỉ trỏ vào "hai con bé người nước ngoài nói tiếng Trung Quốc". Ở Trung tâm Chăn nuôi Gấu trúc Chengdu (Chengdu Panda Breeding Center) tại tỉnh Tứ Xuyên, trong khi chúng tôi chụp ảnh bọn gấu trúc mũm mĩm mới sinh – hồng hào, co rúm, những sinh vật như ấu trùng thật hiếm khi sống sót – thì những khách du lịch người Trung Quốc chụp ảnh Sophia và Lulu.

Vài tháng sau, khi đã trở lại New Haven, nhân một lần tôi đang chỉ dẫn cho Sophia như cách một người Trung Quốc thường làm, nó ngắt lời tôi: "Mẹ ơi – con đâu phải người Trung Quốc."

"Có chứ, con là người Trung Quốc mà."

"Không đâu mẹ ơi – mẹ là người duy nhất nghĩ như thế đấy. Chẳng ai ở Trung Quốc nghĩ con là người Trung Quốc. Mà cũng chẳng ai ở Mỹ coi con là người Trung Quốc luôn."

Điều này khiến tôi lo lắng vô cùng, nhưng cuối cùng tôi nói với con: "À, tất cả đều nhầm đấy con ạ. Con là người Trung Quốc."

Sophia có cơ hội tham gia biểu diễn trong một sự kiện âm nhạc lớn đầu tiên năm 2003 khi chiến thắng trong Cuộc thi Concerto ở New Haven dành cho tuổi lên 10, và giành được quyền biểu diễn độc tấu dương cầm cùng dàn nhạc trẻ New Haven tại Battell Chapel của đại học Yale. Tôi sung sướng phát điên. Tôi viết một bài về Sophia đăng trên tờ báo địa phương, và sau đó cắt bài báo đóng khung treo lên. Tôi mời hơn một trăm người tới dự buổi hòa nhạc và tổ chức một bữa tiệc hoành tráng. Tôi mua cho Sophia chiếc váy dài đầu tiên trong đời và đôi giày mới. Ông bà nội ngoại đều đến cả; trước ngày biểu diễn, mẹ tôi vào bếp làm cả trăm chiếc há cảo, còn Florence thì làm tới 10 pounds cá hồi muối.

Trong khi đó, ở "mặt trận" luyện tập, chúng tôi bắt đầu tăng tốc. Sophia sẽ biểu diễn bản Rondo cho đàn dương cầm và dàn nhạc ở cung Rê trưởng, một trong những bản nhạc nâng cao nhất với người soạn nhạc. Mozart lúc nào cũng khó nhằn. Âm nhạc của ông nổi tiếng là sinh động, khác thường, sôi nổi, và không phải ráng sức - toàn những từ gieo nỗi kinh hoàng cho hầu hết nhạc sỹ.

Điều này chứng tỏ một điều là chỉ có những người rất trẻ hoặc đã già mới có thể chơi nhạc Mozart tốt được: những người rất trẻ bởi vì họ chẳng cần biết gì cả, còn là người già bởi vì họ chẳng cần cố gắng để gây ấn tượng với ai làm gì nữa. Bản Rondo mà Sophia sẽ chơi là thứ âm nhạc Mozart kinh điển. Thầy giáo của Sophia, Michelle, nói với nó rằng, "Khi em chơi những đoạn Rulat và các chỗ láy, hãy nghĩ đến rượu champagne hoặc nước xô-đa của Ý, tất cả bọt nước đều sủi tăm hết trên bề mặt."

Sophia đủ sức đối mặt với bất kỳ thử thách nào. Con bé sáng dạ lạ lùng, với những ngón tay mềm dẻo nhưng linh hoạt. Nhưng, hơn hết thảy, nó luôn nghe mọi điều tôi nói.

Khi đó, tôi trở thành một sỹ quan huấn luyện. Tôi phân nhỏ bản Rando, khi thì theo các đoạn, khi thì theo mục đích. Chúng tôi mất một giờ chỉ tập trung vào phát âm rõ ràng (làm rõ các nốt), rồi đến nhịp độ (với máy nhịp), tiếp đó là cường độ (ồn ào, êm dịu, crescendo/mạnh dần, decrescendo/nhẹ dần), rồi đến phân nhịp (định hướng các dòng nhạc), vân vân và vân vân. Hàng tuần trời, chúng tôi tập luyện tới tối khuya mỗi ngày. Tôi không tiếc những lời gắt gỏng, và thậm chí còn trở nên thô bạo khi đôi mắt Sophia mọng nước.

Cuối cùng ngày vĩ đại cũng đến, tôi đột nhiên đờ đẫn hết cả người; tôi không thể nào điều khiển được bản thân mình nữa. Nhưng Sophia lại có vẻ hứng khởi. Ở Battell Chapel, khi Sophia bước ra sân khấu cúi chào để biểu diễn bản độc tấu, con bé nở một nụ cười rạng rỡ, và tôi chỉ có thể nói là nó đang hạnh phúc. Khi Sophia biểu diễn bản nhạc - dưới vòm lá sẫm của cây sồi cổ thụ, trông nó thật nhỏ bé và can đảm bên cây đàn - trái tim tôi thắt lại bởi một cơn đau không cơn cớ.

AMY CHUA

Khúc chiến ca của Mẹ Hổ Phần 9

Kỳ 9: Vĩ cầm



TTO - Có một điều rất khó chịu mà nhiều người Trung Quốc hay làm là công khai so sánh đám con cái của mình với nhau. Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này quá tệ cho đến khi tôi trưởng thành, bởi vì tôi luôn thoát khỏi sự so sánh đó một cách tốt đẹp.
Bà nội đầy quyền lực của tôi/Dragon Lady - một người giàu có so với họ hàng đằng cha tôi, thiên vị tôi quá đỗi so với các em gái. Trong các buổi tụ họp gia đình, bà thường chỉ vào một trong số chị em ruột rà của tôi mà càm ràm: "Nhìn cái mũi tẹt dí của nó này, chẳng giống như Amy, sống mũi nó cao thế kia chứ. Amy trông giống hệt đằng nội. Còn nó lại giống bên đằng ngoại, thật như hệt một con khỉ ấy."

Công nhận là bà nội tôi cực đoan, nhưng nhìn chung người Trung Quốc thường như vậy. Tôi từng đến một hiệu thuốc của người Trung Quốc, và chủ cửa hiệu khoe với tôi là ông ấy có đứa con gái lên sáu và thằng con trai lên năm, nhưng "con gái tôi rất sáng dạ, chỉ có điều là nó không tập trung. Còn thằng bé thì lại chẳng được thông minh như thế. Con bé thông minh lắm." Lần khác, Kathleen bạn tôi tham dự vòng thi đấu quần vợt và trò chuyện với một phụ nữ Trung Quốc đang quan sát một cô gái nhỏ thi đấu. Người phụ nữ giới thiệu với Kathleen rằng đó là con gái của mình, là sinh viên của đại học Brown, và "chắc chắn là nó sẽ thua thôi". "Con bé này yếu xìu," bà ta lắc đầu, "con chị nó giỏi giang hơn nhiều, nhưng nó đã tới Harvard rồi."

Giờ đây, tôi biết sự thiên vị của các bậc cha mẹ thật khó chịu và tai hại, nhưng để biện hộ cho người Trung Quốc, tôi có hai quan điểm. Thứ nhất, sự thiên vị của các ông bố bà mẹ có tồn tại ở tất cả các nền văn hóa. Trong Kinh Cựu ước, Isaac thiên vị Esau, trong khi Rebekah quý Jacob hơn. Trong truyện cổ Grimm, thường xuyên có ba anh em ruột – và họ không bao giờ được đối xử công bằng. Ngược lại, không phải tất cả người Trung Quốc đều đối xử thiên vị như vậy. Trong The Five Chinese Brothers (Năm anh em Trung Quốc) không có dấu hiệu nào cho thấy bà mẹ yêu quý cậu con trai tát cạn nước biển hơn cậu con trai với chiếc cổ bằng sắt.

Thứ hai, tôi không tin là tất cả sự so sánh của các bậc phụ mẫu đều là xúc phạm. Jed thường xuyên chỉ trích tôi vì so sánh Sophia với Lulu. Và sự thật là tôi chỉ nói với Lulu kiểu như: "Khi mẹ bảo Sophia làm gì đó, chị thường nghe lời ngay lập tức. Đó chính là lý do khiến chị con tiến bộ nhanh như thế." Nhưng người phương Tây lại hiểu khác đi. Khi tôi nói điều đó nghĩa là không phải tôi yêu quý Sophia hơn; mà ngược lại, tôi đang bày tỏ sự tin cậy ở Lulu. Tôi tin rằng nó có thể làm được tất cả những gì Sophia làm, và nó đủ sức để thực hiện chân lý đó. Tôi cũng biết rằng thể nào Lulu cũng tự so sánh nó với Sophia. Đây chính là lý do thi thoảng tôi khe khắt với Lulu. Tôi sẽ không để cho con bé chìm đắm vào việc hồ nghi chính bản thân mình.

Đó cũng chính là lý do tại sao trong buổi sáng đầu tiên Lulu tập chơi vĩ cầm, trước khi nó gặp giáo viên mới, tôi đã nói rằng: "Lulu, con nên nhớ rằng con mới chỉ sáu tuổi. Sophia giành được giải thưởng đầu tiên khi lên chín. Mẹ nghĩ là con có thể giành được giải thưởng đó sớm hơn nữa kia."

Lulu phản ứng thật tệ với điều đó, con bé nói là nó ghét mọi đua tranh và cũng chẳng hề thích chơi vĩ cầm. Lulu từ chối việc đến lớp. Tôi dọa nó bằng một cái phát vào mông và không cho ăn tối - nhưng vẫn cứ phải luyện tập - rồi cuối cùng dẫn nó tới Neighborhood Music School, để gặp giáo viên dạy vĩ cầm của Suzuki - thầy Carl Shugart - đã được phân công dạy dỗ Lulu.

Thầy Shugart khoảng tầm 50 tuổi, với bề ngoài khá phổ biến, mái tóc vàng lưa thưa, một kiểu người thông hiểu trẻ em hơn là người lớn. Với các bậc phụ huynh, thầy có vẻ cách biệt và vụng về; thầy chỉ có thể nhìn họ mà thôi. Nhưng thầy là một thiên tài với bọn trẻ: thoải mái, dí dỏm, đầy cảm hứng, và hài hước. Thầy giống như Pied Piper của trường, và bọn trẻ mười ba tuổi hoặc nhỏ hơn theo học thầy - Lulu là một trong số đó - sẽ theo thầy đi khắp nơi.

Bí mật của thầy Shugart là có thể chuyển tất cả kỹ thuật về chơi vĩ cầm sang các câu chuyện hoặc hình ảnh mà bọn trẻ có thể hiểu được. Thay cho những legato, staccato, hay accelerando, thầy nói đến việc vuốt ve bộ lông của chú mèo đang rên gừ gừ, một đàn kiến đang diễu hành, và những con chuột trên chiếc xe một bánh đang lăn tròn xuống từ ngọn đồi. Tôi nhớ đến sự kỳ diệu trong cách thầy dạy Lulu Khúc ngẫu hứng/Humoresque số 7 nổi tiếng của Dvoˇrák (*). Sau khúc dạo đầu hấp dẫn, tất cả mọi người đều ậm ừ không biết nó thế nào, còn có một khúc nhạc thứ hai dường như quá ủy mị đòi hỏi phải được chơi với cảm hứng chủ đạo cường điệu sự vừa bi vừa hài - là bạn thì bạn sẽ giải thích điều này thế nào với một đứa trẻ mới lên sáu đây?

Thầy Shugart nói với Lulu rằng đoạn thứ hai rất buồn bã, nhưng lại không buồn như là có ai đó sắp qua đời. Thay vào đó, thầy bắt con bé tưởng tượng rằng đã được mẹ hứa cho một cây kem ốc quế hai lớp to tướng nếu nó dọn giường cho mẹ một tuần - và Lulu đã làm như vậy đầy tin tưởng. Nhưng khi hết tuần, mẹ lại chẳng cho nó cây kem ốc quế nào hết. Không chỉ thế, mẹ lại mua một cây kem cho chị gái Lulu, người chẳng làm việc gì cả.

Điều này đánh đúng vào tình cảnh của Lulu, bởi vì sau đó nó đã chơi khúc Humoresque vô cùng da diết như thể khúc nhạc đó viết riêng cho nó vậy. Tới một ngày nọ, khi tôi nghe khúc Humoresque - bạn có thể xem Itzhak Perlman và Yo-Yo Ma chơi trên YouTube - tôi nghe thấy cả lời mà thầy Shugart thêm vào: "Con muốn ăn kem, ôi, đưa trả con cây kem đi; cây kem mà mẹ hứa cho co-on đâu rồi?"

Thật không ngờ, mặc dù tôi đã chọn vĩ cầm cho Lulu, nhưng không thể chối cãi được rằng Lulu có sự lôi cuốn tự nhiên với cây đàn đó. Tuy vậy, mọi người không ngớt kinh ngạc về phong cách tự nhiên khi Lulu chơi vĩ cầm, và thực sự thì con bé có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt làm sao. Theo lời kể của thầy Shugart thì Lulu luôn tỏa sáng, và các bậc phụ huynh khác luôn hỏi có phải gen âm nhạc di truyền ở gia đình chúng tôi, và Lulu được chờ đợi trở thành một nghệ sỹ chơi vĩ cầm chuyên nghiệp. Họ không hình dung được về những buổi tập luyện "đẫm máu" ở nhà, nơi tôi và Lulu đấu với nhau như loài thú hoang - Hổ đấu với Lợn rừng - và nó chống lại được bao nhiêu tôi tấn công lại chừng đó.

Chủ nhật là một ngày điển hình trong tuần, chúng tôi mất cả buổi sáng ở trường âm nhạc Neighborhood Music School nơi tràn ngập năng lượng và âm thanh của khoảng hai mươi nhạc cụ khác nhau. Lulu không chỉ luyện tập với thầy Shugart; sau đó con bé còn phải tới thẳng lớp học nhóm Suzuki, để tham gia buổi tập cho cả vĩ cầm và dương cầm cùng Sophia. (Chúng tôi cũng không bỏ buổi tập dương cầm của Lulu vào các ngày thứ Sáu).

Trở về nhà, bất chấp buổi tập ba giờ đồng hồ vừa trải qua, tôi thường cố gắng lẻn vào buổi tập luyện nâng cao bổ sung - không có gì tốt hơn việc cố gắng chiếm lợi thế vào tuần tiếp theo! Ban đêm, khi Lulu đã ngủ, tôi đọc các chuyên khảo về kỹ thuật chơi vĩ cầm và nghe CD của Isaac Stern, Itzhak Perlman, hay Midori, gắng sức tìm hiểu xem họ làm cái gì để chơi hay như vậy.

Tôi thừa nhận rằng lịch học này nghe có vẻ khá khắc nghiệt. Nhưng tôi cảm thấy mình đang chạy đua với thời gian. Trẻ em ở Trung Quốc luyện tập tới mười tiếng mỗi ngày. Sarah Chang (**) đã thử giọng cho Zubin Mehta (***) ở Dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic (****) khi mới có tám tuổi. Hằng năm vẫn có vài gương mặt ở tuổi lên bảy từ Latvia hay Croatia giành thắng lợi trong cuộc thi quốc tế biểu diễn Concerto cho vĩ cầm của Tchaikovsky vốn vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, mà tôi không thể đợi thêm nữa để Lulu giành được nó.

Hơn nữa, tôi lại có một đức ông chồng Mỹ luôn tin chắc rằng tuổi thơ là để vui chơi. Jed luôn muốn chơi trượt ván với các con hay tới sân golf mini với chúng, hoặc là tệ hại nhất là đưa chúng tới công viên nước xa mù với những đường trượt nguy hiểm. Việc tôi thích làm nhất với các con là đọc cho chúng nghe; tôi và Jed làm điều này mỗi tối, và đó thường là thời khắc vui thích nhất trong ngày của cả nhà.

Dưới mắt tôi, chơi vĩ cầm thực sự khó khăn, khó hơn nhiều so với học chơi dương cầm. Đầu tiên là vấn đề cầm cái gì như thế nào, điều bạn sẽ không gặp khi học dương cầm. Trái với những gì một người bình thường có thể nghĩ, vĩ cầm không chơi được bằng tay trái; nó chỉ có thể được tiếp cận theo một cách. Theo giáo viên dạy vĩ cầm nổi tiếng Carl Flesch (*****) trong cuốn The Art of Violin Playing (Nghệ thuật chơi vĩ cầm), thì cây đàn phải được "đặt tì trên xương đòn" và "giữ tư thế này bằng hàm dưới bên trái," để tay trái tự do di chuyển xung quanh.

Nếu bạn nghĩ việc giữ được thứ gì đó ở vị trí giữa xương đòn và hàm dưới bên trái thật là khó chịu, thì bạn đúng rồi đấy. Thêm nữa bạn phải giữ cho cằm cứng đơ và những cái kẹp bằng kim loại đâm vào cổ bạn, kết quả là bạn sẽ có một "vết chai vĩ cầm" sưng vù, đỏ tấy ở ngay dưới cằm mà hầu hết những người chơi vĩ cầm đều có, và thậm chí nó còn được xem như là một dấu hiệu danh dự nữa kia.

Rồi đến "âm điệu" - có nghĩa là bạn chơi đúng đến đâu - đây là một lý do khiến tôi nghĩ chơi vĩ cầm khó hơn chơi dương cầm, chí ít là với những người bắt đầu. Với dương cầm, bạn chỉ gõ vào một phím và bạn biết nốt nào bạn đang chơi là xong. Với vĩ cầm, bạn phải đặt ngón tay đúng vào phía bên phải trên cần đàn - nếu bạn xê xích 1/10 centimet thôi, bạn sẽ chẳng chơi được đúng điệu nữa. Mặc dù vĩ cầm chỉ có bốn dây, nhưng nó có thể đưa ra tới 53 nốt khác nhau đo bằng độ lớn của nửa cung - và còn vô vàn sắc thái âm thanh được tạo ra bằng sử dụng các dây khác nhau và kỹ thuật điều khiển cây vĩ. Người ta thường nói rằng vĩ cầm có thể nắm bắt được mọi cảm xúc, và đó chính là nhạc cụ gần gũi nhất với tiếng nói của con người.

Một điểm chung giữa dương cầm và vĩ cầm - giữa chúng với nhau cũng như với nhiều môn thể thao khác - đó là bạn không thể chơi hay đến mức thăng hoa nếu bạn không thật sự thoải mái. Bạn không thể có được một cú giao bóng chết người khi chơi quần vợt hoặc ném bóng chày thật xa nếu bạn không được thả lỏng tay; bạn cũng không thể đưa ra được những âm thanh ngọt ngào khi chơi vĩ cầm nếu bạn cầm cây vĩ quá chặt hoặc xiết chặt vào dây - động tác này chính là nguyên nhân đưa đến những âm thanh rin rít ghê rợn. Thầy Shugart thường nói với Lulu, "Tưởng tượng rằng em là con búp bê nhồi bằng giẻ. Nhẹ nhõm và dễ chịu, và chẳng có lo lắng gì trên đời. Em hãy thả lỏng cánh tay của em đi, như không trọng lượng vậy… Hãy để cho lực hút làm mọi việc… Tốt rồi, Lulu, tốt lắm."

Còn ở nhà, tôi hét lên: "THƯ GIÃN! Thầy Shugart nói là BÚP BÊ VẢI cơ mà!" Tôi luôn cố gắng hết sức để nhắc lại quan điểm của thầy Shugart, nhưng mọi thứ lại quá khó khăn với Lulu, bởi sự hiện diện thái quá của tôi khiến nó kích động và cáu điên.

Một lần, ở giữa chừng buổi luyện tập, Lulu hét lên, "Thôi đi, mẹ, thôi ngay đi." "Lulu, mẹ có nói gì đâu," tôi trả lời, "Mẹ chẳng nói lời nào cả." "Ý nghĩ của mẹ đang quấy rầy con," Lulu nói. "Con biết rõ là mẹ đang nghĩ gì."

"Mẹ chẳng nghĩ ngợi gì hết," tôi trả lời đầy tức tối. Thực sự thì tôi đang nghĩ là khuỷu tay phải của Lulu để quá cao, và động lực của nó sai toét cả, và nó cần phát triển tiết tấu tốt hơn nữa.

"Mẹ đừng suy nghĩ kiểu ấy nữa đi!" Lulu yêu cầu. "Con sẽ không chơi nữa nếu mẹ không chịu bỏ suy nghĩ trong đầu kiểu thế đi."

Lulu luôn tìm cách khiêu khích tôi. Gây ra một cuộc tranh cãi là cách đơn giản để khỏi phải tập luyện. Hiểu rõ điều đó, nên tôi chẳng dễ "cắn câu". Tôi bình tĩnh trả lời. "Được rồi. Con muốn mẹ làm thế nào bây giờ?" Để kiểm soát tốt được Lulu trong tình huống này thỉnh thoảng chỉ đơn giản là việc giúp xoa dịu tâm trạng cáu kỉnh của nó.

Lulu suy nghĩ về điều đó. "Mẹ, đặt tay lên mũi 5 giây đi." Khoảnh khắc nghỉ ngơi may mắn. Tôi chấp thuận, và việc luyện tập lại bắt đầu. Đó là một trong những giây phút hòa hoãn êm đẹp của chúng tôi.

Tôi và Lulu có mối quan hệ vừa gắn bó khăng khít lại vừa đối nghịch nhau. Khi các cô con gái còn nhỏ, tôi giữ một file trên máy tính trong đó tôi ghi những cuộc đấu khẩu đáng chú ý. Đây là một cuộc trò chuyện giữa tôi và Lulu khi nó lên bảy:

Mẹ: Lulu, chúng ta là đôi bạn thân thiết một cách kỳ lạ.

Lulu: Đúng rồi - một cách kỳ lạ và khủng khiếp.

Mẹ: !!

***

Lulu: Chơi đi, vui đi (ôm chầm lấy Mẹ).

Mẹ: Mẹ sẽ ghi lại những điều con nói.

Lulu: Không, đừng làm thế! Nghe lại sẽ xấu hổ lắm!

Mẹ: Mẹ sẽ chép cả phần ôm ấp vào đây đấy.

Một kết quả tốt đẹp của việc dạy dỗ khắc nghiệt của tôi là Sophia và Lulu vô cùng thân thiết với nhau: hai đứa đồng tâm hiệp lực chống lại người mẹ độc đoán và điên cuồng của chúng. "Mẹ điên rồi," tôi nghe chúng thì thầm với nhau, cười rúc rích. Nhưng tôi chẳng thèm quan tâm. Tôi không yếu đuối, giống như vài bậc cha mẹ phương Tây. Như tôi vẫn thường nói với các con: "Mục tiêu của mẹ khi làm mẹ là chuẩn bị cho các con trước tương lai chứ không phải là khiến cuộc đời các con giống như của mẹ."

Một mùa xuân, giám đốc của Neighborhood Music School đề nghị Sophia và Lulu biểu diễn song tấu trong sự kiện gala đặc biệt chào mừng ca sỹ opera giọng nữ cao Jessye Norman, người thủ vai Aida trong vở nhạc kịch nổi tiếng của Verdi (******). Thật tình cờ, vở nhạc kịch yêu thích của cha tôi chính là Aida - tôi và Jed đã làm đám cưới trong âm thanh của Aida do Triumphal March biểu diễn - và tôi đã mời cha mẹ tôi từ California tới. Mặc những chiếc váy hợp nhau, các cô con gái của tôi biểu diễn bản xô-nát của Mozart cho vĩ cầm và dương cầm cung mi thứ.

Cá nhân tôi thì cho rằng bản nhạc này quá già dặn với chúng – việc thay đổi liên tiếp giữa hai loại đàn không quá nhiều, nghe không giống như một cuộc chuyện trò chút nào – nhưng chẳng ai để ý, và các cô gái đã chơi hết sức rộn rã. Sau đó, Jessye Norman nói với tôi, "Các con gái chị thật tài năng - chị quả là người may mắn". Xét đến cùng, đó là vài khoảnh khắc - trong số những ngày đẹp nhất cuộc đời tôi.

*****************************

(*) Antonín Leopold Dvořák (08/09/1841, Nelahozeves – 01/05/1904, Praha): Nhà soạn nhạc người Séc nổi tiếng thế giới. Đại diện cho dòng nhạc cổ điển lãng mạn của thế giới với các tác phẩm kinh điển về opera, giao hưởng thính phòng, đặc biệt là bản giao hưởng số 9 "Bản giao hưởng Thế giới mới - Novosvětská".

(**) Sarah Chang (10/12/1980): Nghệ sỹ vĩ cầm người Mỹ gốc Hàn Quốc, trình diễn lần đầu tiên trước công chúng năm 1989 với Dàn nhạc giao hưởng Philadelphia và Hiệp hội Yêu nhạc New York.

(***) Zubin Mehta (29/4/1936): Người chỉ huy dàn nhạc người Ấn Độ, chuyên về nhạc cổ điển phương Tây.

(****) New York Philharmonic: Còn được gọi là Hiệp hội Yêu nhạc New York, là một dàn nhạc giao hưởng trực thuộc thành phố New York - Hoa Kỳ.

(*****) Carl Flesch (1873 - 1944) là nghệ sỹ đồng thời là giáo viên dạy vĩ cầm. Ông sinh ra ở Hungary, sau đó đã sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới như: Áo, Pháp, Đức, Anh,....

(******) Giuseppe Verdi (1813 - 1910): Nhà soạn nhạc người Ý, xuất hiện vào cuối giai đoạn lãng mạn với các vở nhạc kịch nổi tiếng như: Rigoletto, Otello hay Aida.

Khúc chiến ca của Mẹ Hổ Phần 8

 Kỳ 8: Nhạc cụ của Lulu



TTO - Tôi thích trường Duke. Các đồng nghiệp đều phóng khoáng, tốt bụng, và thông minh. Chúng tôi đã có nhiều bạn bè thân thiết. Vướng mắc duy nhất là Jed vẫn giảng dạy ở Yale, cách xa nhà tới 500 dặm. Nhưng chúng tôi chấp nhận điều đó, bằng việc đi lại mấy năm ròng giữa Durham và New Haven, mà người di chuyển chủ yếu là Jed.
Năm 2000, khi Sophia lên bảy và Lulu lên bốn, tôi nhận được một cuộc gọi từ đại học Luật New York mời tôi tới "thăm". Tôi ghét ý tưởng rời bỏ Duke, nhưng New York gần New Haven, vậy là chúng tôi khăn gói quả mướp lên đường, ở Manhattan trong sáu tháng.

Đó là sáu tháng địa ngục. "Thăm" thế giới giảng dạy luật học là gia nhập vào một chuyên khoa dựa trên một nền tảng thử thách. Về cơ bản, đó là một cuộc phỏng vấn kéo dài cả một học kỳ, trong đó bạn phải gây ấn tượng với tất cả mọi người rằng bạn thông minh đến thế nào, đồng thời còn phải nịnh nọt họ nữa kia. ("Nhưng tôi vẫn còn chưa thanh toán xong vấn đề này với anh, Bernard. Chẳng phải mô hình của anh – việc chuyển đổi hình mẫu vào thực tế có ảnh hưởng rộng rãi hơn anh tưởng hay sao?" Hoặc là: "Tôi không chắc mình đã thuyết phục hoàn toàn theo chú thích 81 trong bài ‘Pháp luật và Lacan’ của anh hay chưa, vấn đề rành rành là hóc búa rồi – nhưng anh không phiền nếu tôi đưa ra thảo luận ở lớp tôi chứ?")

Còn ở các trường học, Manhattan hành xử đúng với tiếng tăm lẫy lừng của nó. Tôi và Jed được giới thiệu với thế giới của những học sinh lớp 3 tuổi chuẩn bị tới SAT và các bạn bé mới tập đi với người giám hộ và bản sao hồ sơ. Cuối cùng, chúng tôi quyết định cho Sophia học ở trường công P.S. 3 nằm ngay ở mé bên phải con đường dẫn tới căn hộ chúng tôi thuê. Còn Lulu thì vào mẫu giáo, thế nhưng nó vẫn phải làm một đống bài kiểm tra.

Tôi tha thiết mong sao Lulu được nhận vào lớp mẫu giáo nằm trong nhà thờ đẹp đẽ với những ô cửa sổ lắp kính màu này. Chỉ sau khoảng năm phút, người quản lý phụ trách việc xét tuyển đã quay trở lại ngay cùng với Lulu, muốn xác nhận với tôi rằng Lulu không thể đếm – không phải là sai trái gì ở đây, nhưng bà ta muốn xác nhận điều đó.

"Ôi trời, tất nhiên là Lulu có thể đếm chứ!" Tôi kêu lên, đầy sợ hãi. "Cho tôi gặp cháu một giây thôi". Tôi lôi Lulu sang một bên, và rít lên "Lulu, con đang làm cái gì thế? Đây không phải trò đùa đâu". Lulu cau có. "Con chỉ đếm được trong đầu thôi." "Con không thể chỉ đếm trong đầu – con phải đếm to lên để cho quý bà đây thấy là con biết đếm! Bà ấy đang kiểm tra con đấy. Họ sẽ không cho con vào trường này nếu con không cho họ thấy điều ấy." "Nhưng con không thích đến trường này."

Như đã tôi đã nói, tôi không tin vào việc mua chuộc bọn trẻ. Cả nước Mỹ lẫn Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế đều đã thông qua các hiệp định quốc tế về chống hối lộ; thêm vào đấy thì dù gì đi nữa, con cái nên chi trả cho bố mẹ mới phải. Nhưng tôi đành liều mạng, "Lulu này," tôi thì thầm, "nếu con làm như vậy, mẹ sẽ mua cho con kẹo mút và dẫn con tới hiệu sách." Tôi kéo Lulu trở lại, vui vẻ bảo: "Giờ thì Llulu đã sẵn sàng rồi."

Lúc này, cô phụ trách việc xét tuyển cho phép tôi dẫn Lulu vào phòng kiểm tra. Cô đặt bốn hình khối lên bàn và yêu cầu Lulu đếm.

Lulu liếc nhanh mấy hình khối rồi đếm "Mười một, sáu, mười, bốn."

Lạnh toát cả người, tôi nghĩ đến việc tóm lấy con bé và chuồn nhanh cho rồi, nhưng cô quản lý bình tĩnh đặt thêm bốn hình nữa chồng lên nhau: "Bây giờ thì là bao nhiêu hả Lulu, em có thể đếm tất cả không?"

Lulu nhìn chằm chằm vào đống hình khối một lát rồi bắt đầu đếm, "Sáu, bốn, một, ba, không, mười hai, hai, tám."

Tôi không thể chịu hơn được nữa, "Lulu! Thôi ngay đi!"

"Không, không, chị cứ để kệ cháu". Cô quản lý giơ hai tay ra, trên gương mặt cô ấy có một tia nhìn thích thú, rồi quay lại phía Lulu: "Cô thấy rồi, Louisa, cháu thích đếm theo cách của cháu phải không nào?"

Lulu liếc trộm về phía tôi – con bé biết là tôi đang bực mình – rồi khẽ gật đầu.

"Có tám hình khối ở đây," cô quản lý bất ngờ tiếp tục, "Cháu đã đúng – dù cháu đã đếm bằng cách rất đặc biệt. Thật tuyệt khi được biết cách đếm riêng của cháu. Đây chính là những điều chúng ta đang gắng sức khuyến khích ở trường này."

Tôi nhẹ cả người, cuối cùng thì tôi cũng được phép thở phào nhẹ nhõm. Có thể nói người phụ nữ này thích Lulu. Thực tế thì có rất nhiều người thích nó – có điều gì đó gần như là sự quyến rũ từ cái vẻ tửng tưng rất được lòng người của con bé. Tôi nhủ thầm, ơn giời là chúng tôi đang ở trên đất Mỹ, chẳng bao giờ có nghi hoặc gì ở đây bởi các cuộc nổi dậy của Cách mạng Mỹ luôn được coi trọng. Nếu ở Trung Quốc thì họ sẽ tống Lulu vào trại cải tạo.

Thật trớ trêu, cuối cùng Lulu lại thích thú việc tới trường ở New York, trong khi Sophia luôn tỏ ra khá rụt rè, lại có khoảng thời gian khó khăn hơn. Trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên của Sophia nói với chúng tôi là mặc dù cô chưa bao giờ dạy một học sinh giỏi như thế, nhưng cô thấy lo lắng về quan hệ xã hội của Sophia, vì trong giờ ra chơi và ăn trưa con bé luôn có một mình, lang thang quanh sân trường với quyển sách trên tay. Tôi và Jed hoảng lên, nhưng khi hỏi Sophia về trường học, con bé khăng khăng rằng vẫn thấy vui vẻ.

Chúng tôi đã sống được trọn một học kỳ ở thành phố New York. Thậm chí tôi còn tìm cách có được lời đề nghị của đại học New York mà suýt nữa tôi đã nhận lời. Nhưng rồi một loạt sự việc không mong đợi xảy tới. Tôi cho đăng một bài báo về dân chủ và sắc tộc ở các nước đang phát triển, thu hút được nhiều sự chú ý trong giới hoạch định chính sách. Vì bài báo này, Yale đã, thay vì từ chối tôi, họ đưa ra lời đề nghị mời tôi làm giảng viên chính thức. Đã bảy năm kể từ khi tôi không thể giành được việc làm này chỉ qua một bữa trưa, tôi chấp nhận, cho dù niềm vui có pha lẫn ngậm ngùi. Cuộc sống nay đây mai đó không còn nữa, Jed chẳng phải đi lại thường xuyên, Sophia và Lulu sẽ yên ổn và cùng học chung một trường ở New Haven.

Đến lúc này, Lulu cũng bắt đầu học đàn dương cầm với thầy giáo Michelle của Sophia tại Neighborhood Music School. Tôi cảm thấy như mình sống hai cuộc đời vậy. Tôi dậy từ năm giờ sáng và viết lách nửa ngày rồi giảng dạy ở trường luật Yale, sau đó về nhà với các buổi luyện tập hàng ngày cùng hai cô con gái. Với Lulu thì luôn luôn kéo theo sau đó bao nhiêu răn đe, hăm dọa và cả buộc phải giữ lời nữa.

Thực ra, Lulu là một ca sỹ bẩm sinh với giọng ca gần như hoàn hảo. Bất hạnh thay, con bé lại ghét tập luyện và không hề tập trung. Trong khi đáng ra phải luyện tập thì nó lại trò chuyện với những chú chim bên ngoài cửa sổ hoặc với những nếp nhăn trên gương mặt tôi. Ấy thế mà Lulu vẫn tiến bộ nhanh chóng qua những cuốn sách dạy dương cầm của Suzuki và biểu diễn thật tuyệt vời. Khi độc tấu, con bé không bao giờ có được sự hoàn hảo như Sophia, nhưng những chỗ thiếu hụt về độ chính xác kỹ thuật lại được bù đắp nhiều hơn bằng các đoạn nhạc chơi đầy phong cách và du dương/nhuần nhuyễn ngang ngửa với Sophia.

Trong thời gian này, tôi quyết rằng Lulu nên bắt đầu chơi một nhạc cụ khác. Bạn bè có con cái lớn hơn đã khuyên tôi rằng tốt hơn là để hai cô con gái theo đuổi các sở thích khác nhau, nhằm giảm thiểu cạnh tranh giữa chúng. Lời khuyên này thực sự có ích vì Sophia đã bắt đầu được biết đến nhiều với cây đàn dương cầm, cùng nhiều giải thưởng khu vực; và thường xuyên được các giáo viên, nhà thờ và tổ chức cộng đồng mời biểu diễn. Chúng tôi đi tới đâu Lulu cũng buộc phải nghe những lời tán dương về Sophia.

Cố nhiên, câu hỏi đặt ra là nhạc cụ mới Lulu nên chơi là gì? Nhà chồng tôi, những người trí thức Do Thái tự do có những quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Họ biết tính bướng bỉnh của Lulu và đã nghe thấy sự kêu la thét lác trong những buổi luyện tập của chúng tôi. Mọi người thuyết phục tôi nên cho nó theo đuổi một thứ gì đó ít áp lực hơn.

"Sáo thì thế nào?" bố chồng tôi - Sy gợi ý. Là một người đàn ông cao lớn vạm vỡ trông giống hệt thần Zeus, Sy sở hữu một phòng tâm lý liệu pháp rất phát đạt ở Washington. Thực ra ông rất có khiếu về âm nhạc, với chất giọng trầm hùng, và thực tế là chị gái của Jed cũng có chất giọng đẹp, hẳn rằng Sophia và Lulu thừa hưởng được gen âm nhạc từ họ.

"Sáo?" mẹ chồng tôi - Florence - hỏi lại đầy ngờ vực khi nghe gợi ý của Sy, "nghe đã thấy chán ngắt lên rồi". Mẹ chồng tôi là nhà phê bình nghệ thuật, sống ở New York. Bà vừa xuất bản cuốn tiểu sử của Clement Greenberg, nhà phê bình gây tranh cãi của nghệ thuật đương đại, người đã phát hiện ra Jackson Pollock (*) và chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng Mỹ. Florence và Sy đã ly hôn hai mươi năm nay, và nhìn chung bà chẳng bao giờ đồng ý với bất kỳ điều gì ông nói. "Có thể là thứ gì đó sôi động hơn đi, như một nhạc cụ trong gamelan chẳng hạn? Nó có thể chơi cồng được không nhỉ?"

Florence là người lịch thiệp, ưa mạo hiểm, và theo chủ nghĩa thế giới. Nhiều năm trước, bà đi du lịch sang Indonesia, tại đây bà đã bị âm nhạc gamelan (**) của người Gia-va quyến rũ. Đó là một dàn nhạc nhỏ với khoảng từ mười lăm tới hai mươi nhạc sỹ, ngồi bắt chéo chân trên sàn nhà và chơi bộ gõ giống như kempul (một bộ cồng đeo trên cổ với những cung bậc khác nhau), cùng saron (một loại đàn gỗ dây kim loại lớn), hoặc với bonang (một tổ hợp trống định âm được chơi giống như trống nhưng âm thanh vang hơn).

Thú vị là nhà soạn nhạc người Pháp Claude Debussy lại có phản ứng tương tự như mẹ chồng tôi về dàn nhạc gamelan. Đối với Debussy cũng như với Florence, gamelan là một sự khải thị. Năm 1895, ông viết cho một người bạn rằng âm nhạc của người Java "có thể biểu hiện mọi sắc thái của ý nghĩa, thậm chí là cả những điều không thể nói ra được". Sau đó, ông đã cho đăng một bài báo mô tả về người Java là "những con người tuyệt vời, chơi nhạc đối với họ cũng tự nhiên như việc hít thở vậy. Trường học âm nhạc của họ là nhịp điệu vĩnh cửu của biển, tiếng lá rơi, và hàng nghìn âm thanh nhỏ bé khác họ đã nghe vô cùng chăm chú, mà không hề phải tham vấn bất kỳ thứ lý luận còn mơ hồ nào".

Về phần mình, tôi nghĩ Debussy vừa mới trải qua một giai đoạn tôn sùng quá mức văn hóa ngoại lai. Điều tương tự cũng xảy ra với những người bạn Pháp của Debussy là Henri Rousseau và Paul Gauguin, những người khởi đầu cho phong trào vẽ những thổ dân Pô-li-nê-di cho đến suốt sau này. Một thay đổi đặc biệt kinh khủng của hiện tượng này có thể thấy ở California thời kỳ cận đại: những người đàn ông với Cơn Sốt Da Vàng, chỉ hò hẹn với những người phụ nữ châu Á - có khi tới cả tá người liền nhau - mà không cần biết là họ xấu đẹp ra sao hay là người châu Á loại nào. Theo những gì tôi biết thì Jed không từng hò hẹn với bất cứ phụ nữ châu Á nào trước tôi.

Có thể nguyên do tôi không đánh giá cao âm nhạc gamelan là vì tôi đã từng nghe loại âm nhạc ấy khi chúng tôi tới Indonesia năm 1992, và tôi thấy khó mà thành tựu được. Tôi không biết đã mấy trăm lần tôi hét lên với Lulu: "Tất cả những gì giá trị và quan trọng đều phải khó khăn mới đạt được! Con có biết mẹ đã phải vượt qua những gì để được dạy ở Yale không?" Âm nhạc gamelan mê hoặc bởi vì nó quá đơn giản, tự do và lặp đi lặp lại. Ngược lại, những tác phẩm nổi bật của Debussy lại phản ánh những họa âm phức tạp, đầy tham vọng, kỹ thuật cao, có mục đích, và đầy chủ ý - và vâng, chí ít thì trong vài tác phẩm của ông ta cũng có ảnh hưởng của gamelan. Nó giống như sự khác biệt giữa ngôi nhà tranh vách đất có sức mê hoặc riêng, với Cung điện Versailles.

Dù gì, tôi cũng loại trừ những chiếc cồng cùng mấy cái sáo cho Lulu. Bản năng xúi bảo tôi phải đối nghịch với gia đình nhà chồng. Tôi tin rằng cách duy nhất để Lulu thoát khỏi cái bóng của chị gái mình trong biểu diễn âm nhạc xuất sắc là chơi một nhạc cụ khó hơn, và yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Đó là lý do tôi chọn vĩ cầm. Ngày tôi đưa ra quyết định này - mà không cần hỏi ý kiến Lulu, và bỏ qua mọi lời khuyên nhủ của những người xung quanh - là cái ngày tôi tự định đoạt số mệnh cho mình.

**************

(*) Paul Jackson Pollock (1912 - 19560 là một họa sỹ có ảnh hưởng lớn người Mỹ và là một đại diện cho phong trào nghệ thuật biểu hiện trừu tượng. Ông say mê sự nổi tiếng và cũng có khá nhiều tai tiếng.

(**) Gamelan là một dàn nhạc của Indonesia, thường xuất hiện ở các đảo Bali hoặc Java. Dàn nhạc gồm một loạt nhạc cụ như: đàn gỗ, trống, cồng chiêng, sáo trúc, và có thể có cả ca sỹ biểu diễn.



AMY CHUA

Khúc chiến ca của Mẹ Hổ Phần 7

Kỳ 7: Mẹ Hổ may mắn


TTO - Như bất kỳ phụ nữ Mỹ gốc châu Á nào ở vào lứa tuổi gần ba mươi, tôi có ý tưởng viết một thiên hùng ca về mối quan hệ giữa mẹ và con gái qua nhiều thế hệ, dựa trên dây mơ rễ má trong chính gia đình tôi. Điều này nung nấu trước cả khi Sophia ra đời, khi tôi sống ở New York, cố gắng hiểu xem mình đang làm cái quái gì trong công ty luật tại phố Wall này.
Ơn giời là tôi là người may mắn, bởi vì suốt cuộc đời mình tôi đã đưa ra những quyết định quan trọng dựa trên toàn những lý do vớ vẩn. Đầu tiên là việc tôi ứng tuyển vào chuyên ngành toán học của trường Harvard vì nghĩ rằng nó sẽ làm cha mẹ tôi vui lòng. Tôi đã từ bỏ việc này sau khi cha tôi, thấy tôi vật vã với một loạt vấn đề trong kỳ nghỉ đông đã nói rằng tôi đang quá sức mình, và cứu nguy cho tôi. Rồi tôi lại máy móc chuyển sang kinh tế vì nó có vẻ gì đó giông giống với khoa học. Tôi đã viết luận văn tốt nghiệp về các mô hình chuyển đổi của kiểu gia đình hai trụ cột, một chủ đề tẻ ngắt mà tôi chẳng bao giờ nhớ được là mình đã kết luận ra sao.

Tôi vào trường luật chủ yếu là vì không muốn theo học trường y. Tôi gặt hái thành quả giỏi giang ở trường luật bằng cách học tập điên cuồng. Thậm chí tôi còn biến nó thành cuộc cạnh tranh gay gắt trên Harvard Law Review (Tạp chí Luật học Harvard), nơi tôi đã gặp Jed và trở thành biên tập viên của tạp chí. Nhưng tôi luôn lo lắng về việc ngành luật không thực sự là xu hướng của tôi. Tôi không quan tâm đến quyền lợi của những kẻ phạm tội như cách những người khác vẫn làm, và thường lạnh toát cả người mỗi khi các thầy cô giáo gọi đến tên mình. Tôi cũng không chủ động đặt vấn đề hay ra câu hỏi; tôi chỉ muốn chép lại tất cả những gì giáo viên nói và học vẹt.

Sau khi tốt nghiệp tôi vào làm ở một công ty luật tại phố Wall, bởi đó là con đường êm chân nhất. Tôi chọn ngành tư vấn doanh nghiệp vì tôi không thích mấy chuyện tố tụng. Tôi thật sự hợp với công việc này; chẳng bao giờ ngán ngẩm vì những giờ làm việc dài dặc, tôi còn rất giỏi nắm bắt các mong muốn của khách hàng và chuyển tải nó vào các văn bản pháp lý. Nhưng trọn ba năm ở công ty luật này, tôi luôn cảm thấy như mình đang đóng kịch với một bộ dạng vô cùng ngớ ngẩn. Trong những buổi thảo luận thâu đêm suốt sáng với các ông chủ ngân hàng đầu tư, khi những người khác đang vắt óc suy nghĩ về từng chi tiết điều khoản cụ thể cho các vụ làm ăn hàng tỷ

đô-la, thì đầu óc tôi lại miên man nghĩ về bữa tối, và tôi chẳng thể buộc bản thân phải quan tâm cho dù cái quyết định ngớ ngẩn ấy có hậu quả thế nào đi nữa.

"Bất kỳ quyết định nào đề cập đến trong tài liệu kết hợp hoặc được coi là kết hợp này bằng việc dẫn chiếu trong tài liệu này sẽ được coi là được sửa đổi hoặc thay thế cho các mục đích của kiến nghị này trong một phạm vi mà quyết định này đề cập tới, hoặc trong bất kỳ tài liệu nào sau đó cũng được kết hợp bởi dẫn chiếu đến tài liệu này, sửa đổi hoặc thay thế như một quyết định, được mở đầu bằng "Nhằm đem lại những điều thuận lợi nhất/tốt nhất cho tri thức của Công ty."

Trong khi đó Jed lại rất hợp nghề luật, trái ngược hoàn toàn với sự không phù hợp của tôi. Hiển nhiên là thế. Công ty luật của Jed chuyên lo các vụ chuyển nhượng công ty cuối những năm 1980. Anh hứng thú với việc chuẩn bị các hồ sơ công ty, giải quyết tranh chấp…, và anh cũng rất thành công. Sau đó, Jed chuyển tới làm việc tại văn phòng Bộ Tư pháp, theo đuổi vụ kiện những tên trùm Mafia, và cũng rất hứng thú với việc đó.

Để tiêu khiển, Jed viết một bài báo dài cả trăm trang về quyền được bảo vệ đời tư - điều này xuất phát hoàn toàn từ cá nhân Jed - bài báo được tờ Harvard Law Review mà chúng tôi cùng làm việc thời sinh viên đăng tải (tạp chí này vốn chưa bao giờ chấp nhận những bài viết của các tác giả không phải là giáo sư).

Điều tiếp theo đến với chúng tôi là Jed nhận được cuộc gọi từ trưởng khoa của trường luật Yale, và mặc dù tôi là người luôn muốn trở thành giảng viên (tôi đoán vậy là vì bố tôi cũng là giảng viên), Jed đã có được công việc giảng dạy ở trường luật Yale năm trước khi Sophia ra đời. Đó là công việc mơ ước của Jed. Anh chỉ là người mới tập tọng vào nghề ở khoa, một anh chàng sáng giá, giữa đầy các đồng nghiệp sáng láng chẳng kém.

Tôi vốn luôn cho mình là người giàu trí tưởng tượng với vô vàn những ý tưởng trong đầu, nhưng giữa các đồng nghiệp của Jed, đầu óc tôi lại bí đặc.

Chúng tôi tới New Haven lần đầu khi tôi vẫn đang nghỉ sinh con (Sophia), Jed nói với bạn bè ở trong khoa rằng tôi cũng đang cân nhắc về việc sẽ trở thành giảng viên. Nhưng khi họ hỏi về các vấn đề pháp lý tôi quan tâm thì tôi cảm thấy như ngã gục. Tôi căng thẳng đến mức chẳng thể suy nghĩ hay nói năng gì. Khi tôi cố gắng ép mình phải nói thì câu cú lộn xộn, từ ngữ thì khó hiểu, chẳng đâu vào đâu cả.

Đó chính là khi tôi quyết định sẽ viết một thiên hùng ca. Bất hạnh thay, tôi lại chẳng có năng khiếu viết lách gì, cái bộ điệu vờ húng hắng ho và cố nén cười của Jed đã khẳng định điều đó. Hơn nữa, những Maxine Hong Kingston (*), Amy Tan (**), và cả Jung Chang (***) nữa khiến tôi nhụt chí bằng những cuốn sách của họ, nào là Nữ chiến binh (The Woman Warrior), Câu lạc bộ hạnh vận (The Joy Luck Club), và Thiên nga hoang dã (Wild Swans)…

Ban đầu, tôi đã cay đắng và phẫn uất, nhưng rồi tôi vượt qua được và tiếp tục đưa ra ý tưởng mới. Kết hợp giữa bằng cấp về luật học với nền tảng của gia đình, tôi viết về pháp luật và vấn đề sắc tộc trong thế giới đang phát triển. Sắc tộc là điều tôi thích thú trao đổi dù ở bất kỳ khía cạnh nào. Ở thời điểm đó, pháp luật và phát triển là vấn đề rất ít người nghiên cứu, và sẽ trở thành lĩnh vực chuyên sâu của tôi sau này.

Số mệnh đã an bài. Sau khi sinh Sophia, tôi viết một bài báo về tư hữu hóa, quốc hữu hóa, và sắc tộc ở châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á, được đăng trên Tạp chí Pháp luật Columbia (Columbia Law Review). Với hành trang là bài báo mới, tôi gửi hồ sơ ứng tuyển vào vị trí giảng dạy luật ở khắp nơi trên cả nước. Với sự liều lĩnh không thể tin được, tôi đồng ý khi hội đồng tuyển dụng của đại học Yale mời tôi đến phỏng vấn. Tôi gặp gỡ hội đồng suốt buổi trưa tại một căn phòng đáng sợ ở Yale mang tên Mory, và đã im như thóc vì thế hai giáo sư và trưởng khoa của trường luật sau đó đã nhanh chóng chuyển đề tài, và bỏ ra cả hai giờ đồng hồ còn lại của bữa trưa chỉ để nói về ảnh hưởng của phong cách Ý tới kiến trúc của New Haven thế nào.

Tôi đã không có cơ hội được gọi lại để diện kiến đầy đủ cả khoa luật của Yale, điều đó có nghĩa là tôi đã trượt kể từ bữa trưa đó. Nói cách khác, tôi đã bị các đồng nghiệp của Jed loại thẳng thừng. Điều này thật chẳng hay ho gì – và khiến cho nảy sinh những thủ đoạn nào đó để có thể hòa nhập với cộng đồng.

Nhưng rồi sau đó tôi đã có một cơ hội lớn lao. Khi Sophia lên hai, trường luật Duke đã đề nghị tôi giảng dạy. Sướng mê người, tôi chấp nhận lời đề nghị ngay tức thì, và chúng tôi chuyển tới vùng Durham, Bắc Carolina.

****************

(*) Maxine Hong Kingston: Nữ văn sĩ người Mỹ gốc Trung Quốc, giáo sư danh dự tại Đại học California, Berkeley. Bà nổi tiếng với các tác phẩm: Nữ chiến binh, Đàn ông Trung Quốc… Bà nhận được nhiều giải thưởng danh giá của Mỹ cho sự nghiệp sáng tác của mình.

(**) Amy Tan: Nhà văn Mỹ gốc Trung Quốc,nổi tiếng với tác phẩm The Joy Luck Club (Tạm dịch: Câu lạc bộ may mắn) đã được dịch ra 35 thứ tiếng.

(***) Jung Chang: Nữ văn sỹ Anh gốc Trung Quốc, nổi tiếng với cuốn tự truyệnThiên nga hoang dã, đã bán được hơn 10 triệu bản trên toàn thế giới, nhưng bị cấm ở Đại Lục. Cô là đồng tác giả cùng với chồng mình, nhà sử học người Anh Jon Halliday, viết cuốn: Mao Trạch Đông, những điều chưa biết.

AMY CHUA

Khúc chiến ca của Mẹ Hổ Phần 6

Kỳ 6: Quy trình chuẩn mực


TTO - Ba giáo viên dạy dương cầm đầu tiên cho Sophia đều không hợp lắm. Người đầu tiên Sophia gặp khi nó lên ba là một cô giáo già khắc khổ người Bun-ga-ry, tên là Elina sống ở nhà hàng xóm của chúng tôi.

Cô ấy mặc một chiếc váy kiểu dáng kỳ dị, mang tất dài đến đầu gối, và có vẻ như phải vác tất thảy khổ đau của thế giới này trên vai.

Ý tưởng của cô ấy về việc học dương cầm là đến nhà tôi và chơi đàn trong một tiếng đồng hồ, còn tôi và Sophia ngồi trên chiếc đi-văng, lắng nghe nỗi đau khổ dày vò của cô ấy. Buổi học đầu tiên kết thúc, tôi cảm thấy đầu mình quay cuồng hết cả lên còn Sophia thì quay ra chơi với con búp bê bằng giấy. Tôi rất sợ phải nói với Elina rằng việc học hành không thể thực hiện được, ái ngại rằng cô ấy có thể khóc lóc than van vọng qua cả mấy bức tường. Vì vậy, tôi đã nói với cô ấy rằng chúng tôi vô cùng hứng khởi nếu được nghe một bản nhạc khác, và tôi sẽ sớm liên hệ lại với cô ấy.

Giáo viên tiếp theo chúng tôi thử là một người nhỏ bé khác thường với mái tóc ngắn cắt vòng tròn, và cặp mắt kính viền dây kim loại, tên là MJ, đã từng ở trong quân đội. Chúng tôi không thể nói rõ là MJ là nam hay nữ, nhưng MJ thường mặc com-lê với chiếc nơ con bướm, và tôi thích phong cách đơn giản này. MJ nói với chúng tôi trong lần đầu tiên gặp mặt là Sophia có khiếu âm nhạc rõ rệt. Bất hạnh thay, MJ biến mất sau vỏn vẹn ba tuần. Một hôm chúng tôi tới nhà MJ để học như thường lệ thì thấy chẳng còn dấu tích nào của MJ ở đó nữa. Thay vào đó là những người lạ hoắc, với đống đồ đạc khác hẳn trong nhà.

Giáo viên thứ ba là một anh chàng chơi nhạc jazz có giọng nói nhẹ nhàng tên là Richard, với phần hông nở nang. Anh ta cho biết đã có một cô con gái hai tuổi. Trong buổi gặp đầu tiên, anh ta cho tôi và Sophia một bài diễn thuyết dài ngoằng về tầm quan trọng của đời sống hiện tại và cách cư xử cho mỗi người. Không giống như các giáo viên truyền thống, anh ta nói rằng anh ta không tin vào việc sử dụng sách vở do các tác giả khác viết, mà thay vào đó lại nhấn mạnh cảm hứng và sự tự thể hiện của mỗi người. Richard cũng nói rằng không có quy tắc nào cho âm nhạc cả, chỉ có cảm giác đúng mà thôi, và chẳng ai có quyền phán xét bạn cả, và thế giới dương cầm đã bị hủy hoại bởi tính thương mại và sự cạnh tranh khốc liệt. Anh chàng khốn khổ - tôi đoán chừng anh ta cũng chẳng hơn một kẻ thất bại là mấy.

Là chị cả trong một gia đình Trung Quốc nhập cư, tôi không có thời gian để sáng tạo hay thiết lập ra những quy tắc của riêng mình. Nhưng tôi thuộc một dòng họ cần được tiếp tục làm rạng danh, mà cha mẹ tôi thì đã quá già để có thể tự mình giành lấy niềm tự hào đó. Tôi thích những mục tiêu rõ ràng, và cách thức rõ ràng để đo đếm được thành công.

Đó là lý do tại sao tôi thích cách thức dạy chơi dương cầm của Suzuki (*). Có cả thảy bảy cuốn sách, và mỗi người đều phải bắt đầu từ cuốn số một. Mỗi cuốn sách gồm từ mười tới mười lăm bài hát, và bạn phải chơi lần lượt theo thứ tự. Bọn trẻ luyện tập chăm chỉ sẽ được giao thêm bài mới mỗi tuần, ngược lại, bọn trẻ không luyện tập sẽ mắc lại ở bài đó hàng tuần trời, thậm chí hàng tháng, và đôi khi chỉ thoát khỏi được vì chúng đã chán ngấy rồi. Dù thế nào đi nữa, kết quả là vài đứa trẻ nhờ sách của Suzuki mà tiến bộ chóng hơn những đứa khác. Vì vậy, một đứa trẻ bốn tuổi luyện tập chăm chỉ có thể vượt xa một đứa trẻ sáu tuổi, và một đứa trẻ sáu tuổi cũng có thể vượt xa một đứa mười sáu tuổi, và còn nhiều ví dụ khác, đã lý giải tại sao hệ thống Suzuki lại nổi tiếng với việc sản sinh ra "thần đồng" như vậy.

Đây chính là điều đã xảy ra với Sophia. Cho đến khi Sophia chưa được năm tuổi, chúng tôi đã dàn xếp với một giáo viên huyền thoại của Suzuki tên là Michelle, có một phòng thu âm dương cầm khổng lồ ở New Haven đặt tại Neighborhood Music School (**). Kiên nhẫn và mẫn cảm, Michelle thu nhận Sophia - ông đánh giá cao năng khiếu của con bé nhưng cũng nhìn thấu được những gì còn ẩn dấu phía sau gương mặt đó - và chính vì thế mà Michelle đã truyền được cảm hứng và tình yêu âm nhạc tới Sophia.

Phương pháp Suzuki quả là tuyệt vời đối với Sophia. Nó học vô cùng nhanh và có khả năng tập trung trong thời gian dài. Nó cũng có một lợi thế văn hóa lớn: Hầu hết các học viên ở trường đều là con cái của những bậc cha mẹ phương Tây hào phóng, họ chẳng có mấy quyết tâm và thường nuông chiều con cái khi phải luyện tập. Tôi nhớ tới cô bé Aubrey, chỉ phải luyện một phút mỗi ngày trong năm, tới khi đó cô bé đã lên bảy. Những đứa trẻ khác được trả công cho việc luyện tập, là những cái kem hoa quả to tướng hoặc bộ xếp hình Lego đầy đủ. Và còn rất nhiều lý do được đưa ra để khỏi phải luyện các bài tập hàng ngày.

Điểm mấu chốt trong cách tiếp cận của phương pháp Suzuki là ông bố hay bà mẹ được yêu cầu tham dự vào các buổi học nhạc và sau đó sẽ giám sát các buổi luyện tập ở nhà của con cái. Điều này có nghĩa là mỗi giây phút Sophia ngồi bên cây đàn là tôi đều ở đó với con bé, và tôi cũng luyện tập luôn. Tôi đã từng luyện đàn khi còn nhỏ, nhưng cha mẹ tôi không có tiền để thuê ai đó giỏi giang dạy, vì vậy tôi đã kết thúc việc học với một người hàng xóm thỉnh thoảng vẫn tổ chức những bữa tiệc tùng ồn ào xen giữa buổi học của tôi. Cùng với giáo viên của Sophia, tôi bắt đầu học tất cả mọi điều về nguyên lý và lịch sử âm nhạc mà tôi chưa từng biết trước đó.

Về phía Sophia, theo tôi nó phải luyện tập ít nhất 90 phút mỗi ngày, kể cả ngày cuối tuần. Với các bài học hàng ngày, chúng tôi luyện tập nhiều gấp đôi. Tôi buộc Sophia phải ghi nhớ tất cả, kể cả khi không cần thiết phải thế, và tôi chẳng bao giờ thưởng cho cho nó một xu. Đó là cách chúng tôi đã bứt phá qua những cuốn sách của Suzuki. Các bậc phụ mẫu khác chỉ tập trung vào một cuốn sách mỗi năm. Còn chúng tôi bắt đầu với khúc biến tấu "Twinkle, Twinkle" (Quyển 1); ba tháng sau Sophia đã tập Schumann (Quyển 2); sáu tháng sau đó con bé đã chơi một bản xô-nát của Clementi (Quyển 3). Và tôi vẫn cảm thấy là chúng tôi đang học quá chậm.

Đây có vẻ là một thời điểm thuận lợi để nói ra tất cả mọi điều. Sự thật là, không phải lúc nào Sophia cũng thấy dễ chịu khi có một người mẹ như tôi. Theo Sophia thì tôi thường nói khi giám sát con bé luyện đàn thế này:

1. Trời ơi là trời, con chơi càng ngày càng tệ.
2. Mẹ sẽ đếm đến ba, sau đó cái mẹ cần là âm nhạc thật sự!
3. Nếu một lần nữa con chơi chưa THÀNH THẠO, mẹ sẽ THU HẾT THÚ NHỒI BÔNG CỦA CON VÀ ĐỐT SẠCH!

Khi hồi tưởng lại, những ý kiến dạy dỗ kiểu này có vẻ khá cực đoan, nhưng mặt khác chúng cũng có hiệu quả tốt. Tôi và Sophia rất hợp nhau. Tôi có niềm tin mù quáng và định hướng đầy phiến diện, còn Sophia lại có sự chín chắn, tính kiên nhẫn, và lòng cảm thông mà lẽ ra tôi nên có mà lại không có được. Con bé chấp nhận mọi lý lẽ tôi đưa ra với mong muốn đó là những điều tốt đẹp nhất cho nó - và còn bỏ qua những lúc tôi lỡ lời khi nổi nóng hoặc nói những điều làm tổn thương nó.

Khi Sophia lên chín, nó giành được giải thưởng cuộc thi dương cầm ở địa phương với bản nhạc Butterfly của nhà soạn nhạc Edvard Grieg người Na-uy. Butterfly là một trong số sáu mươi sáu bản nhạc trữ tình của Grieg , những tác phẩm âm nhạc được thu nhỏ lại, điều đó có nghĩa là người trình diễn phải gợi ra được một tâm trạng hoặc hình ảnh đặc biệt. Butterfly phải được biểu diễn sinh động và vô cùng thoải mái - và phải tốn nhiều giờ luyện tập vất vả mệt nhoài mới chơi được như thế.

Các bậc cha mẹ Trung Quốc sẽ thấy chẳng vui vẻ gì cho đến khi bạn thực sự giỏi giang một môn nào đó. Để giỏi giang ở bất kỳ môn nào chắc chắn bạn chăm chỉ chuyên cần, và trẻ con thì chẳng bao giờ lại tự động thích thú với việc lao động đó. Đó là lý do tại sao về cơ bản các sở thích của chúng bị gạt sang một bên. Điều này thường đòi hỏi sự chịu đựng ngoan cường ở phía cha mẹ vì bọn trẻ sẽ phản kháng quyết liệt; và mọi việc luôn khó khăn nhất lúc bắt đầu, đó cũng chính là điểm khiến các ông bố bà mẹ phương Tây đành phải buông tay.

Nhưng nếu để thực hiện thích đáng, thì chiến lược của người Trung Quốc được đưa ra thành hẳn một quy trình mẫu mực. Tập luyện kiên trì, tập luyện, và tập luyện chính là điều kiện tiên quyết cho sự hoàn hảo. Nhưng ở Mỹ, việc luyện tập kiểu thuộc vẹt như thế lại bị xem thường. Khi đứa trẻ bắt đầu vượt trội về môn nào đó - dù là toán, dương cầm, bóng chày hay là ba-lê đi nữa – thì nó sẽ được ca ngợi, ngưỡng mộ, và thỏa nguyện ước mơ. Điều này gây dựng được niềm tin và mang lại niềm vui từ hoạt động ban đầu chẳng lấy làm vui vẻ gì. Điều này cũng tác động trở lại các bậc làm cha làm mẹ, khiến họ dễ dàng bắt con cái ôn luyện hơn.

Tại buổi hòa nhạc mang lại chiến thắng của Sophia, khi nhìn thấy những ngón tay khéo léo của con bé lướt êm và bay bay trên các phím đàn giống như đôi cánh bướm, thật sự tôi ngây ngất trong tự hào, vui sướng và hy vọng. Tôi chẳng thể đợi chờ đến tận ngày hôm sau để luyện tập và tìm hiểu nhiều hơn nữa về âm nhạc cùng con bé.

***************

(*) Shinichi Suzuki (1898 - 1998): Sinh tại Nagoya (Nhật Bản) trong một gia đình chuyên sản xuất vĩ cầm, ban đầu ông tự học chơi vĩ cầm, sau đó thì sang Đức để tìm thày dạy đàn. Năm 1945, Suzuki khởi xướng chương trình Giáo dục Tài năng nhằm giáo dục cho trẻ em có tâm hồn cao quý từ một nền âm nhạc lớn và rèn luyện chuyên cần.

(**) Neighborhood Music School: Trường nghệ thuật cộng đồng ở New Haven, Connecticut, Mỹ, chuyên giảng dạy âm nhạc, khiêu vũ và kịch nghệ cho người lớn và trẻ em mọi lứa tuổi với mọi cấp độ. (ND)



AMY CHUA

Khúc chiến ca của Mẹ Hổ Phần 5

Kỳ 5: Gia tộc suy vong



TTO - Một trong những nỗi sợ hãi nhất của tôi là sự sa sút của gia đình. Người Trung Quốc xưa có câu "không ai giàu ba họ".
Tôi cá rằng nếu ai đó dày dặn kinh nghiệm để thực hiện một cuộc khảo sát theo chiều dọc về đời sống qua các thế hệ, họ sẽ thấy nổi lên một khuôn mẫu điển hình giữa những người Trung Quốc nhập cư ít nhất hơn năm mươi năm, may mắn tới được nước Mỹ vì là sinh viên tốt nghiệp hoặc thợ lành nghề. Khuôn mẫu sẽ có dạng giống như thế này:

* Một thế hệ nhập cư (như cha mẹ tôi) là những người làm việc cật lực. Nhiều người khởi đầu tại nước Mỹ không một xu dính túi, nhưng đã làm việc không ngừng nghỉ cho tới khi thành đạt, trở thành những kỹ sư, nhà khoa học, bác sỹ, nhà nghiên cứu, hoặc thương nhân. Như cha mẹ tôi, họ sẽ cực kỳ nghiêm khắc và tiết kiệm đến điên rồ ("Không được đổ thức ăn thừa đi! Tại sao lại dùng lắm nước rửa bát thế? Không cần phải đến hiệu cắt tóc làm gì - chúng ta có thể tự cắt đẹp hơn.") Họ sẽ đầu tư vào bất động sản. Họ chẳng nhậu nhẹt mấy khi. Tất cả những gì họ có được do làm lụng vất vả đều dồn hết cho việc học hành và tương lai của con cái.

* Thế hệ thứ hai (như tôi), thế hệ đầu tiên được sinh ra trên đất Mỹ, về cơ bản sẽ có tính mục đích cao. Họ thường chơi dương cầm và/hoặc vĩ cầm. Họ sẽ theo học các trường đại học nổi tiếng khu vực miền Đông hoặc các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Họ có xu hướng theo đuổi những nghề nghiệp như: luật sư, bác sỹ, chủ ngân hàng, phát thanh viên truyền hình và có thu nhập cao hơn bố mẹ mình, nhưng phần lớn là vì họ khởi đầu với nhiều của nả vốn liếng hơn và vì bố mẹ đã đầu tư vào họ rất nhiều. Họ cũng không tằn tiện như bố mẹ mình nữa. Họ sẽ hưởng thụ nhiều hơn. Nếu là phụ nữ, họ thường kết hôn với người da trắng. Và dù là nam giới hay phụ nữ, họ cũng không quá nghiêm khắc với con cái như bố mẹ đã làm với họ trước đây.

* Thế hệ tiếp theo (Sophia và Lulu) là một thế hệ mà tôi thao thức hằng đêm lo lắng cho chúng. Bởi nhờ lao động cật lực của thế hệ ông bà và cha mẹ chúng, thế hệ này sinh ra đã được hưởng đầy đủ tiện nghi của tầng lớp cao hơn bậc trung lưu. Thậm chí ngay khi còn bé tí, chúng đã sở hữu nhiều sách bìa cứng rồi (theo quan điểm của những bậc cha mẹ nhập cư thì sách bìa cứng là một món xa xỉ kinh người). Chúng có những nhóm bạn bè giàu có - những đứa thường mới đạt điểm B+ đã được thưởng. Chúng không hoặc có thể vào được những trường học tư, nhưng dù thế nào thì chúng vẫn yêu sách để có những bộ quần áo hàng hiệu đắt tiền. Điều cuối cùng và đáng bàn cãi nhất là chúng cảm thấy mình có quyền được bảo về bởi Hiến pháp Mỹ, và vì vậy chúng rất có khả năng không nghe lời bố mẹ và bỏ qua những định hướng về nghề nghiệp. Nói một cách ngắn gọn thì tất cả các yếu tố ấy đều chỉ ra một cách rõ ràng rằng thế hệ này đang hướng thẳng tới sự suy tàn.

Thế đấy, chẳng phải thấp thỏm gì nữa. Từ khoảnh khắc Sophia chào đời và tôi, nhìn ngắm vẻ xinh xắn và khuôn mặt sáng láng của con, đã quyết là không để điều đó xảy ra với Sophia, sẽ không giáo dục con thành một đứa trẻ yếu đuối và tự do - không để gia đình tôi tuột dốc được.

Đó là một trong những lý do tại sao tôi buộc Sophia và Lulu chơi nhạc cổ điển. Tôi biết rằng mình không thể khiến chúng có cảm giác như những đứa trẻ nhập cư khốn khổ. Điều này không thể được khi thực tế là chúng tôi sống trong một căn nhà rộng rãi cũ kỹ, sở hữu đến hai chiếc xe còn tốt, và ở trong những khách sạn tươm tất mỗi khi đi nghỉ. Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng Sophia và Lulu sâu sắc và hiểu biết hơn cha mẹ tôi và chính bản thân tôi khi ở tầm tuổi đó. Nhạc cổ điển là đối cực của suy tàn; đối cực của lười biếng, thô lỗ, và hư hỏng. Đó chính là con đường khiến cho con cái tôi giành được những gì tôi đã không có được. Nhưng đó cũng là sự nối tiếp truyền thống văn hóa của tổ tiên dòng tộc nhà tôi.

Chiến dịch chống suy vong của tôi cũng có những yếu tố cấu thành khác. Giống như cha mẹ mình, tôi bắt Sophia và Lulu phải thành thạo tiếng Trung Quốc và chỉ được phép đạt điểm A. Tôi dặn các con, "Khi làm bài, luôn luôn phải kiểm tra lại câu trả lời ba lần. Phải tra từng từ mà con không biết, và học thuộc lòng các định nghĩa chính xác." Để đảm bảo rằng Sophia và Lulu không được nuông chiều và yếu ớt như người La Mã khi đế chế sụp đổ, tôi cũng bắt chúng phải lao động chân tay.

"Khi 14 tuổi, chính mẹ đã dùng cuốc, xẻng để đào một hồ bơi cho ông ngoại". Tôi nói đi nói lại với các con. Đó hoàn toàn là sự thật. Cái "hồ" đó chỉ sâu chừng 1 mét với đường kính khoảng 3 mét nông choèn như một cái chậu rửa. Nhưng thực sự tôi đã tự tay đào nó ở sân sau của ngôi nhà nhỏ cạnh hồ Tahoe mà cha tôi mua được sau nhiều năm dành dụm. Tôi ra rả, "Mỗi sáng Chủ nhật, mẹ lau nửa nhà còn các dì thì lau nửa còn lại. Mẹ cọ toa-lét, dọn sạch bãi cỏ, và bổ củi. Một lần mẹ đã dựng một khu vườn đá cho ông ngoại, và mẹ phải vác những tảng đá nặng ngấp nghé 30kg. Đó là lý do tại sao mẹ dẻo dai thế này."

Vì muốn chúng luyện tập tối đa, tôi không đòi hỏi các con gái tôi phải bổ củi hay đào hồ, nhưng tôi cố gắng bắt chúng mang vác những vật nặng - những giỏ quần áo giặt khô đầy ắp khi lên xuống cầu thang, đổ rác vào các Chủ nhật, tự xách va-li khi đi du lịch - là những việc tôi thường xuyên bắt chúng làm khi có thể. Thú vị là Jed có quan điểm đối lập với tôi. Anh ấy ái ngại khi thấy các cô con gái phải mang vác, và luôn lo lắng cho cái lưng của chúng.

Để phổ biến những bài học này cho các con gái, tôi thường xuyên nhớ lại những điều mà chính cha mẹ tôi đã từng nói với mình: "Hãy khiêm tốn, hãy nhún nhường, hãy đơn giản." Mẹ tôi thường mắng tôi, "Hậu quả nhãn tiền ra đấy / Ở hiền gặp lành". Ý mẹ tôi muốn nói tới cách ứng xử thế này, "Hãy chắc chắn rằng con sẽ là người làm đầu tiên, con sẽ nhận được sự nể trọng của mọi người." Một trong những nguyên tắc cơ bản của cha tôi là, "Đừng bao giờ phàn nàn hay tìm cách đổ lỗi. Nếu có điều gì đó không công bằng ở trường học, hãy chứng tỏ bản thân mình bằng làm việc chăm chỉ gấp đôi và giỏi giang gấp đôi". Tôi đã cố gắng truyền trao những nguyên tắc này tới Sophia và Lulu.

Cuối cùng, tôi cố gắng buộc chúng phải tôn trọng tôi như cha mẹ tôi từng làm thế. Đây là điểm mà tôi ít thành công nhất. Lớn lên, tôi rất sợ sự phản đối của cha mẹ. Nhưng Sophia thì không như vậy, và Lulu lại càng không. Nước Mỹ có vẻ như đã tuyên truyền nhiều điều cho trẻ con mà văn hóa Trung Quốc không làm như vậy. Trong văn hóa Trung Quốc, không có chuyện trẻ con đòi hỏi, không vâng lời hay cãi lại bố mẹ. Còn trong văn hóa Mỹ, trẻ con trong truyện, trên các chương trình truyền hình, và phim ảnh thường xuyên ghi điểm bằng việc đối đáp chan chát cùng với tính cách độc lập của mình. Đặc biệt, chính các bậc cha mẹ lại cần phải được rèn giũa các bài học cuộc sống - từ con cái mình.

AMY CHUA

Khúc chiến ca của Mẹ Hổ Phần 4

Kỳ 4: Dòng họ Chua


TTO - Tôi mang họ Chua - đọc là Sái theo tiếng mẹ đẻ - và tôi thích điều đó. Gia đình tôi ở tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc, nổi tiếng là nơi sản sinh ra các học giả và nhà khoa học.
Một trong những tổ tiên trực hệ thuộc gia đình bố tôi là Chua Wu Neng, một nhà chiêm tinh của Hoàng đế Vạn Lịch triều Minh, đồng thời còn là triết gia và nhà thơ. Với những hiểu biết rộng rãi của mình, năm 1644 Wu Neng được Hoàng đế bổ làm trưởng ban tham mưu của quân đội, khi Trung Quốc đối mặt với sự xâm lược của quân Mãn châu. Vật gia bảo đáng giá nhất của gia đình tôi - và cũng là vật gia bảo duy nhất còn lại - chính là những ghi chép bằng tay của Wu Neng dày tới 2.000 trang về Kinh Dịch, một trong những văn tự cổ nhất của Trung Quốc. Giờ đây, một bản sao bọc da tác phẩm của ông cố Wu Neng với chữ "Chua" dập nổi ở bìa được đặt trang trọng trên bàn nước phòng khách nhà chúng tôi.

Tổ tiên của tôi đều sinh ra ở Phúc Kiến, nhưng vào những thời điểm khác nhau trong khoảng năm 1920 và 1930, họ vượt biển sang Philippines, nơi được đồn đại là dễ xoay xở hơn nhiều. Ông ngoại tôi là một nhà giáo nhân hậu và mô phạm, sau này đã trở thành một nhà buôn gạo để giúp đỡ gia đình. Ông không phải là người mộ đạo và giỏi giang đặc biệt trong việc kinh doanh. Còn bà ngoại tôi là người có nhan sắc và vô cùng mộ đạo. Bất chấp những lời răn dạy của Quan âm Bồ tát về việc coi vật chất là phù du, bà vẫn thường cầu khấn cho chồng mình làm ăn phát đạt.

Ông nội tôi, một nhà buôn cá đóng hộp đôn hậu, cũng chẳng hề mộ đạo và giỏi giang trong việc kinh doanh. Còn bà nội tôi, một phụ nữ nghiêm khắc, đã phát tài sau Thế chiến II bằng việc kinh doanh nhựa, sau đó đầu tư toàn bộ lờ lãi vào vàng thỏi và kim cương. Sau khi trở lên giàu có - đảm bảo một tài khoản để sản xuất các vỏ bình cho hãng Johnson & Johnson là chủ yếu - bà đã chuyển thành một xưởng máy lớn trong số những xưởng máy uy tín nhất ở vùng lân cận Manila. Bà và bác tôi bắt đầu mua thủy tinh Tiffany, Mary Cassats, Braques, và các căn hộ cao cấp ở Honolulu. Hai người cải sang đạo Tin lành, bắt đầu sử dụng nĩa và thìa thay vì dùng đũa, và dần trở nên có vẻ Mỹ hơn.

Sinh năm 1936 tại Trung Quốc, năm lên 2 tuổi, mẹ tôi chuyển đến Philippines cùng gia đình. Trong thời gian chiếm đóng của Nhật Bản ở Philippines, bà đã mất đi người em trai, và tôi không bao giờ quên những lời kể của bà về việc lính Nhật đã bắt cậu tôi phải há miệng và phun nước thẳng vào họng cậu, rồi phá lên cười khi cậu tôi nổ tung như một quả bóng đầy hơi. Khi tướng Douglas MacArthur giải phóng Philippines năm 1945, mẹ tôi nhớ là đã chạy theo những chiếc xe jeep của người Mỹ, cổ vũ nhiệt liệt, lính Mỹ đã ném cho họ vô số những hộp thịt.

Sau chiến tranh, mẹ tôi phục vụ ở một trường dòng, bà đã đổi sang đạo Thiên chúa tại đây. Sau này, mẹ tôi là người đầu tiên trong lớp tốt nghiệp đại học Santo Tomas, được trao bằng danh dự về chuyên ngành kỹ sư hóa học. Bố tôi là một trong những người thiết tha được nhập cư vào nước Mỹ. Giỏi toán, say mê thiên văn và triết học, bố tôi ghét thế giới nhọc nhằn và đầy bất trắc của gia đình với việc kinh doanh nhựa, và phản đối bất kỳ kế hoạch nào của gia đình dành cho ông. Mặc dù chỉ là một đứa trẻ, nhưng ông khao khát được tới nước Mỹ, và giấc mơ đã thành sự thật khi Viện Công nghệ Massachusetts chấp nhận đơn xin học của ông.

Bố tôi cầu hôn mẹ tôi năm 1960, và cũng trong năm đó bố mẹ tôi chuyển đến Boston mà chẳng quen biết bất kỳ ai ở thành phố này. Chỉ sinh sống bằng món tiền học bổng còm, họ không có đồ để sưởi ấm trong hai mùa đông đầu tiên, và phải quấn chăn quanh người cho đỡ lạnh. Chưa đầy hai năm bố tôi đã lấy được bằng Ph.D và làm trợ giảng tại đại học Purdue ở Tây Lafayette, Indiana.

Lớn lên ở vùng Trung Tây (Midwest), cùng với ba cô em gái, tôi luôn nhận thức được rằng chúng tôi khác biệt với bất kỳ ai. Thật là hổ thẹn, chúng tôi mang cặp lồng đồ ăn Trung Quốc tới trường; sao mà tôi ước mình có được một chiếc bánh sandwich kẹp xúc xích giống với bạn bè đến thế! Chúng tôi phải nói tiếng Trung ở nhà - và sẽ bị phạt một đòn đau điếng bằng roi khi chẳng may lỡ miệng nói ra bất cứ từ tiếng Anh nào.

Chúng tôi luyện toán và đàn mỗi chiều, và chẳng bao giờ được phép ngủ qua đêm ở nhà bè bạn. Mỗi tối khi bố tôi đi làm về, tôi phải cởi giày và tất cho ông, sau đó mang tới cho ông đôi dép lê. Bảng điểm của chúng tôi phải hoàn hảo; trong khi đám bạn bè được thưởng khi đạt điểm B thì chúng tôi không được phép có điểm A trừ. Năm lớp 8, tôi giành được vị trí thứ hai trong cuộc thi lịch sử và mang về nhà phần thưởng danh dự. Còn một bạn khác đã giành được giải thưởng Kiwanis cho sinh viên xuất sắc toàn diện.

Sau chuyện đó, bố bảo tôi: "Đừng bao giờ hạ nhục bố kiểu này lần nữa." Khi bạn bè nghe được những chuyện đó, họ thường hình dung tôi có một "thời thơ ấu gian khổ". Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy; tôi có được sức mạnh và sự tự tin từ gia đình đặc biệt của mình. Chúng tôi khởi đầu như những kẻ ngoài rìa cùng nhau, và cùng nhau khám phá về nước Mỹ, dần trở thành những người Mỹ.

Tôi nhớ là bố tôi thường làm việc tới tận 3 giờ sáng, điều này khiến ông thậm chí còn chẳng nhận ra rằng chúng tôi đã vào trong phòng lúc nào. Nhưng tôi cũng nhớ ông đã hứng khởi thế nào khi giới thiệu cho chúng tôi món bánh thịt chiên giòn, sốt thịt băm Sloppy Joe, hay đồ ăn của Dairy Queen, và tất cả những gì ăn được, mà chẳng nhắc tới trượt băng, trượt tuyết, chơi trò crabbing hay cắm trại. Tôi nhớ một bạn trai ở trường tiểu học đã nhìn tôi bằng nửa con mắt, cười ngặt nghẽo khi nhại cách phát âm từ "restaurant" của tôi (tôi đọc là "rest-OW-rant") - lúc đó tôi đã thề sẽ rũ bỏ hết chất Trung Quốc cố cữu trong mình. Nhưng tôi cũng nhớ việc tham gia vào đội cổ vũ và những chiếc vòng lắc eo; trượt pa-tanh và các thư viện công cộng; nhớ đến chiến thắng trong cuộc thi viết tiểu luận về Cách mạng Mỹ; và đến một ngày thật long trọng đầy tự hào, bố mẹ tôi được nhập tịch.

Năm 1971, bố tôi chấp nhận đề nghị từ trường đại học California ở Berkeley, và chúng tôi khăn gói di chuyển về miền Tây. Bố tôi nuôi tóc dài và mặc áo vét-tông với những tín hiệu hòa bình. Sau đó ông quan tâm đến việc sưu tập rượu và xây một hầm rượu tới hàng trăm chai. Khi ông trở nên nổi tiếng trên thế giới vì công trình lý thuyết hỗn độn, chúng tôi bắt đầu đi vòng quanh thế giới. Tôi đã trải qua những năm học phổ thông trung học ở London, Munich, và Lausaunne, và bố tôi đã dẫn chúng tôi đi khắp vòng Bắc Cực.

Nhưng, bố tôi là một người đàn ông Trung Quốc gia trưởng điển hình. Khi tôi chuẩn bị vào đại học, bố tuyên bố rằng tôi phải sống ở nhà và nộp đơn học ở Berkeley (nơi tôi chắc chắn sẽ được chấp nhận), và điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không có cơ hội đến các khu nội trú, quả là lựa chọn đau khổ cho tôi. Không nghe lời bố, cũng giống như ông đã phản đối gia đình mình, tôi giả mạo chữ ký của bố và bí mật nộp đơn vào một trường đại học nổi tiếng ở phía Đông. Khi tôi nói với bố tôi việc mình làm - và rằng Harvard đã chấp nhận tôi - ông đã khiến tôi rất ngạc nhiên. Ông mau chóng chuyển từ trạng thái giận dữ sang tự hào thực sự. Ông cũng bộc lộ niềm tự hào không dấu giếm khi tôi tốt nghiệp đại học luật Harvard sau đó, cũng như khi Michelle, em gái tôi tốt nghiệp trường Yale và đại học Luật Yale. Ông đã tự hào nhất (có lẽ pha chút buồn đau) khi Katrin, cô em thứ ba rời nhà tới Harvard, và cuối cùng đã lấy được bằng M.D/Ph.D ở đó.

Nước Mỹ làm con người ta thay đổi. Khi tôi mới lên bốn, bố đã từng nói với tôi rằng, "Nếu muốn lấy chồng không phải người Trung Quốc, con phải bước qua xác bố". Nhưng cuối cùng tôi đã lấy Jed, và giờ thì chồng tôi và bố trở thành những người bạn tốt nhất của nhau.

Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi không mấy đồng cảm với những người tàn tật. Ở nhiều nước châu Á, những người tàn tật bị coi là điều đáng hổ thẹn, vì vậy khi em út Cynthia của tôi ra đời bị mắc chứng Down, ban đầu mẹ tôi đã khóc suốt. Nhiều họ hàng tỏ ra thông cảm đã động viên chúng tôi gửi Cindy tới trại trẻ từ thiện ở Philippines. Nhưng mẹ tôi đã gặp gỡ những giáo viên dạy trẻ khuyết tật và tiếp xúc với những gia đình có con cái bị tàn tật khác. Và rồi, rất nhanh chóng bà đã kiên nhẫn bỏ ra hàng giờ cùng chơi với Cindy hay dạy nó vẽ. Khi Cindy chuẩn bị vào tiểu học, mẹ dạy em tập đọc và cùng luyện bảng cửu chương. Giờ thì Cindy đã sở hữu hai huy chương vàng quốc tế về bơi lội tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật.

Tôi có chút hối tiếc là mình đã không lập gia đình với một người Trung Quốc và lo lắng về việc dường như mình đang bỏ phí mất bốn nghìn năm văn hóa. Nhưng về cơ bản tôi thấy hàm ơn sâu sắc với sự tự do và cơ hội sáng tạo mà nước Mỹ đã dành cho tôi. Các con gái của tôi không có xúc cảm giống những người ngoài nước Mỹ như vậy. Còn tôi thì thi thoảng vẫn thấy thế. Nhưng đối với tôi, điều đó giống một trách nhiệm hơn là một quyền lợi.

AMY CHUA