Những mái chèo lạc nhịp

Hôm nay cũng như thường lệ giới thiểu một bài viết của tonybuoisang nói về làm ăn mà ta nên học tập.

100 bài Dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70 



Bài 5: Những mái chèo lạc nhịp


Trong hùn hạp làm ăn, người ta nói “đồng hội đồng thuyền”, vì hình ảnh người ngồi trên thuyền phản ánh chính xác nhất cách chúng ta làm ăn với nhau. 

Thuyền nào cũng phải có 1 thuyền trưởng- tức người chỉ huy. Trên đường đi có lúc sóng yên gió lặng, nhưng cũng có lúc bão tố phong ba, vị thuyền trưởng phải là người có đạo đức, kinh nghiệm, khéo léo... để lèo lái. Rất nhiều con thuyền bị đắm, tức phá sản, nhưng cũng có nhiều con thuyền ngày một to hơn, đi ra biển lớn, cập bến bờ thành công.

Khi hùn hạp với nhau, người châu Á thường chỉ nói bằng miệng về luật chơi. Kiểu tao hùn 50, mày 50, lời lãi chia đôi. Vì cái NGẠI NGÙNG cố hữu, sự CẢ NỂ cổ truyền mệt mỏi cả ngàn năm nay. Họ nghĩ mới bắt tay làm ăn mà ràng buộc này nọ, mất lòng chết. Nhưng “mất lòng trước, được lòng sau”, QUYỀN LỢI và NGHĨA VỤ phải rõ ràng ngay từ đầu, đó là điều bắt buộc trong làm ăn, kể cả anh em ruột. Bản điều lệ của công ty hoặc thương vụ có 2 người góp vốn trở lên phải do cá nhân các người sáng lập soạn. Chứ không phải lấy cái form trên mạng xuống rồi in ra ký vào, nhưng chả buồn đọc, đụng chuyện nhao nhao cãi nhau như giặc. Cứ lấy điều lệ mà chiếu vào mọi bất đồng tranh chấp, anh phải làm gì, anh hưởng được bao nhiêu, nếu anh không làm thì, nếu anh không đi họp thì, nguyên tắc “quá bán” tức 51% chấp nhận thì phải tuân theo, không có chuyện tôi nằm trong 49% phản đối nên tôi làm khác, hôm đó tôi không có mặt nên tôi không biết. Nếu nói vậy thì tư duy của anh HOÀN TOÀN cá nhân chủ nghĩa, là TAY CHÈO LẠC NHỊP, không thể hùn hạp làm ăn được. Lúc này, nên yêu cầu anh ta ra khỏi thuyền. Chỉ một mái chèo khác đi, con thuyền có thể sẽ chòng chành xoay ngang, hoặc đi rất chậm. Nguyên tắc đồng thuận là bắt buộc của những người “đồng thuyền”.

Lần đầu tiên Tony sang Hà Lan học 1 khóa ngắn hạn về nông nghiệp, ở nhà trọ với 3 người nữa. Vừa xách vali vào, tụi nó bắt đọc NỘI QUY. Mình kiểu thôi đưa tao ký đại. Ba đứa kia không chịu, bắt đọc từng câu, hiểu rồi mới được ký. Nào là góp tiền mua cái này bao nhiêu, xài xong rồi cho ai. Không được dùng dầu gội của đứa khác, có cái bếp chung, chia thời gian ra nấu thế nào. Trong tủ lạnh cái gì của ai không được đụng đến, nếu đụng phải hỏi và mua trả lại. Rồi không được để nước chảy xuống sàn toilet, phân công chia ra lau nhà ngày nào, đi về khuya phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên, tiếp khách thế nào bạn bè tới chơi như thế nào, máy giặt máy sấy sử dụng ra sao. ra khỏi nhà phải tắt thiết bị gì…nếu vi phạm thì chế tài ra sao. Nếu xảy ra bắt cóc, khủng bố, cháy nổ thì xử lý ra sao, bình chữa cháy ở đâu, số ĐT cảnh sát bao nhiêu, cấp cứu bao nhiêu...Họ phân chia trong lúc "tang gia bối rối", ai làm gì chứ không đứng "bối rối" miết như ở ta. Hết 3 trang giấy cho cái nội quy, ban đầu thấy ức chế kinh khủng, mình quen tự do lộn xộn rồi, cứ theo khuôn khổ văn minh là phản đối. Nhưng nghĩ lại thấy nhớ thời nhà trọ của mình ở Việt Nam, bạn bè ở chung nhà cứ cả nể không nói, giận hờn cãi vả nhau suốt.

Ở phương Tây, trong một cuộc họp, người ta tranh cãi đập bàn đập ghế. Kiểu “tôi hoàn toàn không đồng ý với anh”, nhưng sau đó, họp xong, ra quyết định, mọi người đều RĂM RẮP tuân theo. Dù hôm trước anh khác biệt, nhưng VÌ LỢI ÍCH TẬP THỂ, anh phải TỪ BỎ CÁI TÔI CÁ NHÂN. Lợi ích tập thể có thì lợi ích cá nhân sẽ có, họ nghĩ dài, nghĩ khôn, nghĩ rộng. Lúc thảo luận, họ chỉ bàn bạc “CÁI GÌ ĐÚNG, CÁI GÌ SAI” nên dễ dàng bỏ qua mọi bất đồng. Ông O vẫn vui vẻ mời bà H làm trợ lý, dù hôm trước trên truyền hình hai bên đấu khẩu ghê gớm. Bà H cũng vui vẻ nhận lời, không cay cú sĩ diện vì là người thua. Tư duy Tây nhẹ nhàng, thông thoáng, nói thẳng, Yes/No rõ ràng, làm việc cùng rất thích.

Còn ở châu Á, thói quen vòng vo khiến mất thời gian. Kiểu “tôi hỏi chứ không phải, tôi tự hỏi là, thiết nghĩ, nên chăng, chẳng hay, tôi đồ rằng,…” nghe bắt mệt. Đụng chuyện, người châu Á tập trung vào “AI ĐÚNG, AI SAI”, ai cũng có CÁI TÔI to đùng cần bảo vệ, sợ mình buông ra thì người khác coi thường, nên rướn cổ lên để cãi và mọi giá PHẢI THẮNG. Rồi mạt sát nhau, lôi bằng cấp học vị, chuyện gia đình, giới tính, lôi mọi thứ ra NHẰM CHỨNG MINH người kia sai. Tony có quen anh bạn, anh nằm trong 6 người sáng lập một công ty cổ phần. Có lần công ty anh định lập chi nhánh ở nước ngoài, anh và 1 người nữa trong hội đồng quản trị phản đối. Nguyên tắc “quá bán”, bốn anh kia đồng ý, 4/2 nên quyết định vẫn ban hành. Anh không công nhận việc này, dù biên bản họp anh vẫn ký vào, nhưng “tao có đồng ý đâu, tại tụi kia đông quá”. Anh kể, thế là tao bắt đầu CHỨNG MINH 4 đứa kia sai. Tao tìm thấy bằng cấp của thằng A, nó học hệ tại chức thì sao có trình độ mà quyết việc này? Còn thằng B thì lăng nhăng, cặp con này con kia, nhân cách như vậy thì là đồ vứt. Thằng C người tỉnh X, dân tỉnh X thì không thể có quyết định đúng. Thằng D từng làm ăn và phá sản, nên luôn sai.

Tony nói chuyện cá nhân thì liên quan gì mà anh định kiến khủng khiếp vậy? Em thấy chuyện học hành bằng cấp, chuyện tình ái hay xuất thân từ đâu, hay chuyện quá khứ…đâu có liên quan chuyện làm ăn? Thành lập chi nhánh nếu tốt thì anh cũng hưởng lợi mà. Anh nói mày ngu quá, tao để yên như thế thì nhân viên đối tác nó khinh tao à. Thế là tao đổi chiến lược, tao giả vờ đồng ý, xin đi sang đấy phụ trách chi nhánh. Ở bển, tao xài tiền vô tội vạ, chi phí thật cao để 4 đứa kia thấy việc đặt chi nhánh là tốn kém. Tao cũng không thèm bán hàng, ai tới mua tao cũng từ chối, mục đích là không có doanh thu. Sau 1 năm cầm cự vì không hiệu quả, tao đã thành công mày ạ, chi nhánh đấy vừa đóng cửa. Ai sai, ai đúng...biết liền.

Các bạn trẻ thân mến. Trong làm ăn, nhất nhất phải rằng buộc bằng quy định điều lệ. Càng chi tiết càng tốt ngay từ đầu. Quy định ban đầu thế này, nhưng lúc sau có thể hoàn toàn khác. Không sao cả. Luật lệ là do con người tạo ra để quản lý cho dễ, nên phải được chỉnh sửa liên tục sao cho phù hợp hoàn cảnh thực tế phát sinh. Và mọi người phải chấp hành quy định mới đó, tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng trong suốt thời gian ngồi trên con thuyền. Có sự cố, thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời thuyền. Nguyên tắc hàng hải lẫn làm ăn.

Chúng ta không nên hợp tác với người SĨ DIỆN cao ngất, mệt mỏi lắm. Nếu bạn trẻ có bệnh SĨ, phải lập tức từ bỏ. Cũng không cho người vô kỷ luật lên thuyền, không thể chấp nhận có 1 đứa không mặc áo phao khi tất cả người khác đều mặc. Nếu nó khăng khăng làm theo ý nó, thì hãy để nó xuống thuyền, làm một mình, kiểu doanh nghiệp tư nhân hay công ty một thành viên. Bạn nào không nghe lời ai, “ai cũng không có quyền, chỉ mình ta là có quyền”, thì tốt nhất nên đi máy bay. Tiếp viên kêu thắt đai an toàn, mình nói to “mày kêu tiếng nữa tao hất ly nước nóng vào mặt”. Kêu tắt di động, mình mở nói ầm ĩ, nhiễu sóng phi công hết biết đường lái, bay đi Đà Lạt đáp xuống Cam Ranh, hành khách check-out xuống máy bay thảng thốt nói ố kìa “bên em là biển rộng”. Ai hướng dẫn cửa sổ cửa thoát hiểm gì mặc kệ, mình thích thì cứ mở ra hít khí trời. Họ đuổi xuống thì mình chống nạnh kiểu chụy mất gà đứng bên hàng rào nói xỉa xói qua: đây không thèm đâu nhá, đây có giá trị riêng của đây nhá. Đây sẽ mua máy bay tự lái nhá…

Vậy thôi, em chào chụy.

Nguồn: fb/tonybuoisang


0 nhận xét:

Đăng nhận xét