Giá như tôi biết điều này trước khi học đại học
Kỳ 1: Phải là đại học!
Vào Đại Học |
Cứ mỗi dạo nghỉ tết xong, các bạn học sinh cấp III lại nô nức chuẩn bị nộp hồ sơ dự thi đại học, nếu không quá lời thì đây là giai đoạn sốt sắng nhất của tất cả mọi người.
Nếu bạn ở miền quê, bạn sẽ thấy rất rõ từng câu chuyện mà người trong làng trong xã bàn tán hỏi thăm nhau về con nhà này nhà kia, “Năm nay thi trường gì? Ngành gì? Thi bao nhiêu điểm? Đậu hay trượt? Nó học ra sao? Ngành này sang, ngành kia kém?”... đang xảy ra hằng ngày. Các bạn đang chuẩn bị thi đại học cũng giống như diễn viên chính được mọi người chú ý đến, và các bậc phụ huynh như “đạo diễn” hồi hộp đợi chờ sự thể hiện của đứa con yêu dấu.
Áp lực nhân lên
Tôi không biết đó là điều đáng mừng hay đáng lo? Bởi nếu bạn thi đậu đại học thì điều đó thật tuyệt, đây chính là điều có thể nói không gì vinh dự hơn cho bạn và gia đình. Bạn và gia đình sẽ trở thành tâm điểm được cả làng, cả xã nhắc tới.
Nhưng nếu ngược lại thì sao? Chắc bạn không cần tôi nói nhiều về điều này! Khi bạn trượt thì mọi thứ lúc này không chỉ có nước mắt đau khổ của bạn, mà còn là sự nhục nhã của cả gia đình. Tôi xin nhấn mạnh rằng những điều trên không quá lời đâu nhé!
Đó chính là sự thật đang hiện hữu. Bạn vốn dĩ đã bị áp lực vì “trận đấu” mà bạn đang phải đối mặt, nay áp lực đó được nhân lên nhiều lần khi nó mang theo mình là niềm vinh dự hay sự nhục nhã của bạn và gia đình. Kết quả của nó là đã có bạn tự tử hết sức đau thương, và nhiều chuyện đáng buồn mà xã hội chúng ta đang đối mặt.
Dịp tết năm 2011, khi về thăm quê, tôi ghé nhà thăm chúc tết cô giáo cấp II. Sau một hồi huyên thuyên với cô, cô mới bắt đầu chia sẻ với tôi về chuyện thi đại học của con cô. Tôi dễ dàng nhận ra trong ánh mắt của cô hiện lên bao nỗi lo lắng của một người mẹ.
Năm trước con cô thi đại học nhưng đã trượt. Mặc dù em thừa sức đậu hệ cao đẳng ở nhiều trường, nhưng nhà cô giáo tôi cũng khá giả nên chấp nhận cho em vào Sài Gòn để ôn luyện với hi vọng sẽ thi đậu đại học.
Điều tôi cứ nhớ mãi khi cô bảo rằng: “Ba của nó thì sĩ diện, ngành nào thì ngành nhưng phải là đại học để ba nó nhìn mặt bạn bè, nhìn mặt hàng xóm”. Cô ngập ngừng một hồi rồi nói tiếp: “Năm trước con bé không đậu đại học, ba nó buồn lắm, uống rượu suốt ngày, nhìn con người ta đậu đại học ăn mừng tưng bừng, nên cả năm nay ba nó như không muốn đi ra đường để nhìn bạn bè, hàng xóm gì hết”.
Cô im lặng một lúc rồi thở dài: “Cô thì buồn chút rồi cũng qua thôi! Còn ba nó thì thấy xấu hổ! Cô bảo cứ để em học cao đẳng cũng được mà ba nó nhất quyết phải là đại học mới chịu”. Tôi cảm nhận sự đè nén trong lòng cô bấy lâu, cô dường như muốn nói với tôi tất cả: “Em cũng biết những người trong xã mình đấy, họ bàn tán lời ra lời vào nên ba nó càng buồn, càng bực hơn. Cô chỉ lo con bé nó bị áp lực quá chịu không nổi...”.
Một mình chống lại... cả nhà
Tiếp theo là câu chuyện của một em gái trong xã tôi. Nhà em nằm trên con đường đạp xe đến trường ngày xưa của tôi. Thuở nhỏ em có ước mơ trở thành giáo viên mầm non. Và ước mơ ấy vẫn không phai theo năm tháng, cho đến ngày em chọn ngành thi đại học. Em hồn nhiên kể với tôi: “Em ước sẽ trở thành một giáo viên mầm non được nhiều đứa trẻ yêu mến nhất đó”.
Sau đây tôi trích một đoạn trong bức thư của em kể lại: “Một hôm, vào bữa cơm tối của gia đình thì ba em hỏi: “Thế năm nay con định thi ngành gì?”. Em đợi câu hỏi này của ba rất lâu rồi. Đã mấy ngày, đầu em cứ nghĩ đến cảnh mình sẽ đậu đại học và trở thành giáo viên mầm non. Em muốn khoe với ba về ước mơ của mình lâu lắm, nhưng giờ mới là lúc em muốn ba má em bất ngờ. Lòng em tràn đầy hạnh phúc đáp lại lời ba: “Con định thi ngành giáo viên mầm non đó ba”.
Chưa đợi ba trả lời em liền hỏi ba như muốn nhấn mạnh ước mơ của mình: “Con chọn ngành đó ba thấy sao? Được không ba?”. Lúc đó em đã nghĩ ba em sẽ ủng hộ và em như đang chờ đợi lời ba sẽ khen em như những lúc em ngoan và làm ba hài lòng.
Thế nhưng mọi thứ như bị dập tắt khi vẻ mặt tươi cười lúc nãy của ba em được thay bằng vẻ mặt tức giận, em rất sợ mỗi lúc ba em như thế. Ba đáp lại lời em mà như hét lên: “Mày hết ngành để chọn hay sao mà lại chọn ba cái ngành đó!”.
Nước mắt em như muốn trào ra, cảm giác của em rất thất vọng về ba, bình thường lúc ba giận em chỉ biết im lặng, nhưng hôm đó em cũng cố lấy hết can đảm để hỏi ba: “Sao vậy ba? Ngành đó cũng được lắm mà. Với lại đó là sở thích của con từ thuở nhỏ nữa”.
Lúc đó ba em càng cáu giận hơn rồi mắng em: “Mày thích chi ba cái ngành đó? Ba cái ngành đó mày học xong ra làm được tháng bao nhiêu? Liệu có đủ nuôi cái thân mày không? Suốt ngày chỉ biết quanh quẩn bên mấy đứa con nít! Mày thử nghĩ người ta giàu bằng nghề bác sĩ, kỹ sư chứ có ai giàu bằng nghề giáo viên đâu hả”.
Trong em chỉ còn lại sự thất vọng dành cho ba, nước mắt em không hiểu sao cứ chảy, chén cơm em đang cố cầm trên tay như muốn rớt xuống, em chỉ biết cúi đầu nghe ba mắng xối xả.
Những ngày sau đó cả gia đình em: nội, má, chú hay cậu bên nội ngoại, mọi người đều không cho em thi ngành đó. Mọi người đều trả lời giống như ba em: “Thi chi ba ngành đó thế con. Ngành đó suốt ngày chỉ biết quanh quẩn bên mấy đứa con nít”.
Em rất thích ngành giáo viên mầm non, em thường hay mơ đến lúc mình sẽ ngày ngày được ở bên bọn trẻ. Em thích tiếng cười, giọng nói của chúng. Em yêu từng hành động ngộ nghĩnh, đáng yêu, em muốn dạy cho bọn trẻ những điều mới lạ. Em không biết mình phải làm sao đây? Em phải thuyết phục ba má em, nội em, chú em, cậu em như thế nào đây? Cứ nghĩ tới là nước mắt em chảy ra”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét