Tình Yêu Và Cốc Nước Trắng

Tình Yêu Và Cốc Nước Trắng

Một chàng trai đưa cô bạn gái thân vào quán uống nước. Sau khi người phục vụ đặt hai cốc nước trắng lên bàn và đợi thì cô gái chợt đặt ra một câu hỏi:




- Đố bạn Tình yêu là gì?

Chàng trai mỉm cười quay sang cô phục vụ và nói:

- Chị cho em một ấm trà, một cốc cà phê đen, một cốc cà phê sữa, một ly rượu vang và một ly champagne.
Sau khi mọi thứ đã được mang ra, chàng trai lấy ấm trà và uống chén đầu tiên. Anh ta nói:

- Tình yêu như ấm trà này. Khi ta uống nước đầu sẽ rất đậm đà, nước thứ hai sẽ dìu dịu thanh thanh. Còn nước thứ ba thì sao?

Tình yêu không như ấm trà bởi sau nước thứ ba ấm trà sẽ không còn hương vị ban đầu.

Anh ta lại nhấp một ngụm cà phê đen và nói:

- Tình yêu mang hương vị của cốc cà phê này. Lúc đầu có thể phải trải qua vị đắng nhưng dần dần vị ngọt và thơm sẽ ngấm dần vào mỗi người.

- Nhưng tình yêu không như cốc cà phê sữa. Uống cà phê sữa ta sẽ cảm thấy ngay vị ngọt, vị ngọt của nó đến rất nhanh và đi rất nhanh. Còn tình yêu không như vậy.

Dứt lời anh ta đổ cốc cà phê ấy đi và nói:

- Tình yêu như ly rượu này, nó thật nồng nàn, ấm áp và êm đềm.

Anh ta lại uống ly champagne.

- Không! Tình yêu không thể là thứ nước khai vị chua loét này được.

Chàng trai lo lắng vì không tìm được câu trả lời. Bất chợt anh ta nhìn thấy cốc nước trắng trên bàn. Anh ta reo lên.

- Đúng rồi, hãy nhìn cốc nước kia, nó thật tinh khiết và giản dị. Rượu, cà phê và trà cũng phải bắt nguồn từ nước. Tình yêu cũng như vậy, cái nồng nàn, ngọt ngào, êm đềm và cay đắng cũng phải xuất phát từ lòng chân thành và những điều giản dị nhất. Bạn ạ!

Tình yêu là cốc nước trắng.

Cô gái ngồi im, đôi mắt mở to.

Và rồi cô từ từ nhấc ly nước lên và từ từ đặt vào tay chàng trai.

Chàng trai đã hiểu rằng, anh ta đã có một câu trả lời đúng...

Trí Tuệ Xúc Cảm yếu tố quan trọng

Trí Tuệ Xúc Cảm yếu tố quan trọng

Trong cuộc sống, bạn có thể đã từng gặp những người có kỹ năng giao tiếp rất tốt. Trong mọi tình huống, họ dường như luôn biết cách cư xử khéo léo để chúng ta không cảm thấy bị xúc phạm hoặc bực bội. Thậm chí, ngay cả khi chúng ta không tìm ra giải pháp cho vấn đề, họ cũng làm chúng ta cảm thấy lạc quan và có thêm niềm tin.



Cũng có khi bạn gặp những “bậc thầy” trong việc điều khiển cảm xúc. Khi phải làm việc dưới áp lực, họ không cáu giận mà có khả năng nhìn thẳng vào vấn đề và bình tĩnh tìm ra giải pháp. Họ là những người có khả năng ra quyết định đúng đắn và biết khi nào có thể tin vào trực giác của mình. Họ luôn sẵn lòng thừa nhận những nhược điểm của mình và biết tiếp thu những lời phê bình để phát triển bản thân.

Có điểm gì chung giữa những người đề cập ở trên? Đó là họ đều giàu trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence). Họ hiểu rất rõ về bản thân và có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác.
Ngày nay, cũng như năng lực chuyên môn, trí tuệ cảm xúc càng lúc càng đóng vai trò quan trọng đối với thành công của con người trong sự nghiệp. Những nhà tuyển dụng có xu hướng sử dụng chỉ số trí tuệ cảm xúc như một tiêu chí đánh giá năng lực con người khi tuyển dụng và đề bạt.
Vậy trí tuệ cảm xúc là gì và làm sao để nâng cao trí tuệ cảm xúc?

Trí tuệ cảm xúc là gì?
Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa của chúng và nhận ra tác động của chúng đối với những người xung quanh. Trí tuệ cảm xúc bao hàm cả việc nhận thức người khác: khi bạn hiểu cảm xúc của mọi người, bạn sẽ kiểm soát các mối quan hệ hiệu quả hơn.

Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường thành công trong cuộc sống vì họ làm người xung quanh cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc với họ. Khi họ gửi e-mail, mọi người thường trả lời ngay. Khi họ cần giúp đỡ, họ sẽ dễ dàng nhận được. Chính vì thế, cuộc sống của người giàu trí tuệ cảm xúc thường dễ chịu hơn những người dễ cáu giận bực bội.
Đặc điểm của trí tuệ cảm xúc

Theo Daniel Goleman, một nhà tâm lý học người Mỹ, trí tuệ cảm xúc có 5 đặc điểm sau:

1. Hiểu rõ chính mình
Những người giàu trí tuệ cảm xúc hiểu rõ cảm xúc của mình nên không bao giờ để chúng chế ngự. Đồng thời, họ cũng rất nghiêm khắc khi đánh giá bản thân. Họ biết đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình để từ đó phát huy hoặc khắc phục, nhờ vậy họ có thể làm việc hiệu quả hơn. Nhiều người tin rằng sự hiểu rõ bản thân chính là thành tố quan trọng nhất của trí tuệ cảm xúc.

2. Kiểm soát bản thân
Những người có khả năng kiểm soát bản thân thường không để mình nổi giận hoặc nảy sinh lòng ghen tỵ thái quá, và họ cũng không ra những quyết định ngẫu hứng, bất cẩn, mà luôn nghĩ suy nghĩ trước khi hành động. Nhờ biết kiểm soát bản thân, họ luôn suy nghĩ chín chắn, thích ứng tốt với sự thay đổi, chính trực và biết nói “không” khi cần thiết.

3. Giàu nhiệt huyết
Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường làm việc rất tận tụy, với hiệu quả cao. Họ sẵn lòng hy sinh thành quả trước mắt để đạt được thành công lâu dài. Họ thích được thử thách và luôn làm việc một cách hiệu quả.

4. Biết cảm thông
Đây có lẽ là thành tố quan trọng thứ hai của trí tuệ cảm xúc. Cảm thông là việc bạn đồng cảm và hiểu được ước muốn, nhu cầu và quan điểm của những người sống quanh bạn. Những người biết cảm thông thường rất giỏi trong việc nắm bắt cảm xúc của người khác, kể cả những cảm xúc tinh tế nhất. Nhờ vậy, họ luôn biết cách lắng nghe người khác và thiết lập quan hệ với mọi người. Họ không bao giờ nhìn nhận vấn đề một cách rập khuôn hay phán đoán tình huống quá vội vàng. Họ luôn sống chân thành và cởi mở.

5. Kỹ năng giao tiếp
Thật là thoải mái khi được tiếp xúc với những người giỏi giao tiếp – một đặc điểm khác của trí tuệ cảm xúc. Những người giỏi giao tiếp thường có khả năng làm việc nhóm tốt. Họ quan tâm đến việc giúp người khác phát triển và làm việc hiệu quả hơn là thành công của chính mình. Họ biết cách tranh luận hiệu quả và là những bậc thầy trong việc thiết lập và duy trì quan hệ xã hội.

Như vậy, trí tuệ cảm xúc là một yếu tố quan trọng để giúp bạn đạt đến thành công trong cuộc sống, đặc biệt là trong sự nghiệp. Quản lý con người và các mối quan hệ là kỹ năng quan trọng của mọi nhà lãnh đạo, vì thế nâng cao và vận dụng trí tuệ cảm xúc trong công việc là một cách thể hiện khả năng lãnh đạo của bạn. Vậy đâu là phương cách tối ưu để bạn có thể tích lũy và nâng cao dạng trí tuệ đặc biệt này của mình?

Em vẫn đang chờ anh đến

Em vẫn đang chờ anh đến

Em đang ở cái tuổi xuân mà người ta vẫn hay bảo rằng đó là quãng thời gian đẹp nhất trong đời. Em mong mỏi và khát khao yêu và được yêu như bao người con gái.



Em vẫn ở đây chờ anh đến nắm tay em, để chúng ta cùng nhau đi hết con đường tình yêu. Hay là chúng mình bất chấp hết yêu nhau đi chàng trai tương lai của em!

Em đang ở cái tuổi xuân mà người ta vẫn hay bảo rằng đó là quãng thời gian đẹp nhất trong đời. Em mong mỏi và khát khao yêu và được yêu như bao người con gái. Thật vui và hạnh phúc biết bao nếu mỗi ngày nhận được tin nhắn và lời hỏi thăm quan tâm từ phía anh, người yêu tương lai của em à.

Đôi khi em một mình lạc lõng bơ vơ giữa chốn đông người, nơi phồn hoa đô hội. Lúc này em cần lắm một bàn tay khẽ nắm lấy tay em, em cần lắm một bờ vai vững chắc để em dựa vào mỗi lúc trái tim em mềm yếu giữa bộn bề cuộc sống để em được an ủi, được dựa dẫm.


Những lúc ốm em cần một liều thuốc tinh thần. Lúc đó chỉ cần anh đến bên và như thế em chẳng còn muốn ốm chút nào hết. Chỉ cần thế thôi, em không cần yêu cầu anh quá cao. Em sẽ không bất ngờ gọi anh lúc nửa đêm rồi bắt anh phải mua những thứ mà em thích đâu chàng trai ạ. Em sẽ không bắt tội anh phải làm hết những gì mà em thích trong khi anh lại không muốn. Anh đừng sợ điều đó khi yêu em nhé.

Khi yêu em, anh không phải lo em sẽ đòi hỏi anh phải mua cái này cái kia cho em đâu. Em chỉ cần anh yêu thương em đều đều mỗi ngày, và đừng phớt lờ tình cảm chân thành của em anh nhé. Chắc chắn em sẽ là chỗ dựa vững chắc cho anh, thế có được không anh?

Em vẫn đang hoàn thiện bản thân, em đang cố gắng học tập và làm việc thật tốt để chờ anh đến đây. Hàng ngày, em vẫn học làm nhiều món ăn khác nhau để khi có anh, em sẽ trổ tài khả năng nấu nướng của mình. Để anh cảm thấy ấm lòng mỗi khi thưởng thức.

Không yêu thì thôi, chứ đã yêu ai em yêu chân thành và tha thiết lắm. Em sẽ cố gắng nâng niu, trân trọng tình cảm giữa hai ta, và mong mình sẽ đi đến cái đích cuối cùng của con đường tình yêu. Anh cũng đừng phụ tình người con gái sống thiên về tình cảm như em nhé.

Em sẽ yêu thương anh nhiều hơn những gì em nói. Không chỉ yêu anh, em sẽ yêu cả những người thân xung quanh anh, yêu bạn bè và cả gia đình anh nữa nhé. Em không phải là cô gái quá thông minh, cũng không phải là hot girl... Nhưng em có lòng yêu thương vô bờ bến đối với những người mà em yêu.

Em sẽ lắng nghe, sẽ tâm sự, sẽ chia sẻ cùng với anh những vui buồn trong cuộc sống, sẽ ủng hộ, động viên anh trên con đường mà anh đã chọn.
Chàng trai của mùa hè đầy nắng và gió ơi! Em đang ở đây rồi. Anh hãy đến và đưa em đi đến bến bờ yêu thương nhé.

Không muộn nếu quyết tâm

Không muộn nếu quyết tâm

Chia sẽ bài viết về một câu chuyển về tinh yêu.

Người yêu hơn tôi 11 tuổi, không đẹp trai, không giàu có và có một quá khứ không đẹp. Nhưng tôi yêu và khâm phục anh ở ý chí và sự quyết tâm làm lại cuộc đời. Và sự thật là anh đã làm rất tốt.

Ba mẹ anh đều làm việc cho Nhà nước. Cuộc hôn nhân không tình yêu không cho anh một mái ấm hạnh phúc. Từ nhỏ, anh không được nhận được sự quan tâm và yêu thương của ba mẹ. Việc chứng kiến cảnh ba mẹ cãi nhau hàng ngày đã khiến anh từ một đứa trẻ thông minh trở nên lỳ lợm, quậy phá.



Rớt đại học, anh vào học trường cao đẳng. Chán chuyện gia đình, sẵn có bạn bè rủ rê, lôi kéo anh lao vào ăn chơi, quậy phá. Số tiền gia đình cung cấp hàng tháng không đủ, anh tìm mọi cách để kiếm tiền và sa vào con đường phạm pháp. Anh buôn bán “hàng đá”. Có tiền, anh dành hết nhậu nhẹt, đi sàn và hút chích cùng đám bạn hư hỏng. Chưa đầy một năm, anh bị đuổi học. Rồi một lần trong lúc giao hàng anh bị công an bắt. Anh phải trả giá cho hành động sai trái của mình bằng những năm tháng ngồi tù. Nhờ cải tạo tốt nên anh được ra tù sớm. Và cũng nhờ những năm tháng sống trong tù giúp anh nhận ra ý nghĩa của cuộc sống và phải sống sao cho đúng. Anh tìm cho mình một công việc lương thiện. Vì không có bằng cấp cao nên anh chỉ có thể lao động phổ thông. Phải làm việc cực nhọc mà lương lại thấp nhiều. Không chấp nhận cuộc sống như thế, anh quyết định ôn thi lại đại học. Nhiều người khuyên anh nên tìm công việc khác hay học nghề sẽ dễ dàng hơn. Tại sao phải thi, phải học 3, 4 năm vất vả mà thi thì chắc gì đã đậu. Anh bỏ qua những lời nhụt chí ấy và kiên định với quyết tâm lấy bằng đại học.

Hơn 6 năm không cầm đến sách vở không là gì khó so với sự quyết tâm và kiên trì của anh. Anh từ chối tất cả lời mời gọi của bạn bè để chuyên tâm ôn thi. Nhận giấy báo điểm của anh, gia dình và bạn bè đều không khỏi bất ngờ. Không những đậu mà anh còn đạt được số điểm rất cao. Nhưng đó chỉ là bắt đầu, biết được xuất phát điểm của mình chậm rất nhiều so với bạn bè nên anh đã tự đặt ra mục tiêu và không cho phép mình lười biếng. Anh hòa đồng với bạn trong lớp nhưng từ chối tất cả các cuộc chơi để chuyên tâm lo cho việc học. Anh đăng ký học nhiều môn và liên tục đạt được học bổng của trường. Anh được mọi người khâm phục và quý mến. Hơn 3 năm anh ra trường với bằng loại khá và sớm hơn nhiều so với bạn cùng lớp.

Có bằng cấp, anh liên tục trau dồi vốn tiếng Anh và ứng tuyển vào làm trong một công ty của Mỹ. Cuộc sống là không ngừng nghĩ nên anh không cho phép mình lười biếng. Anh chuyên tâm làm việc và tạo cơ hội cho mình thăng tiến trong sự nghiệp. Không có gì là muộn nếu bạn quyết tâm và kiên trì. Đừng ngại thời gian, đừng ngại gian khổ. Quả ngon ngọt sẽ dành cho những ai chọn giống cây tốt và toàn tâm chăm sóc nó. Tôi mong rằng qua câu chuyện về cuộc đời anh sẽ giúp nhiều người thay đổi suy nghĩ để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn.

3 Người thầy vĩ đại

3 Người thầy vĩ đại



Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: “Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?”

Hasan đáp: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.

Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: “Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm.”

Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: “Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!” Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: “Có trộm được gì không?” và ông ta đều đáp: “Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”. Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.

Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!”

Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động.

Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến đã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: “Con tự thắp cây nến này phải không?” Đứa bé đáp: “Thưa phải.” Đoạn ta hỏi: “Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?”

Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: “Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?”

Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.

Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.

Chọn bạn làm ăn

100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70 
Chọn bạn làm ăn
Bài 2: Chọn bạn làm ăn

Người ta nói “đàn ông đi biển có đôi”, vì tự mình thì chỉ dừng ở mức độ đi câu cá, còn muốn giăng lưới đánh mẻ cá to, phải hợp lực cùng nhau.

Điều kiện cần của hùn hạp là SỰ HÀO SẢNG của người rủ. Điều kiện đủ là KỶ LUẬT CỦA MỖI CÁ NHÂN người góp vốn. Kỷ luật này phải là bản chất, hoặc phải được đào tạo để trở thành thói quen.

Nhóm tình nguyện sau 3 tuần bán cà chua, 30/60 bạn phải rời nhóm. Có những cam kết ban đầu các bạn bỏ qua. Đi trễ. Về sớm. Xuề xòa cho qua sai sót. Báo cáo đến hạn không có. Giao việc quên làm… Các bạn ấy nói dượng không biết tụi con vất vả như thế nào, chiều thứ 6 tan sở là đón xe lên Đà Lạt, mua cà chua xong, sáng thứ 7 ngồi phân loại đến khuya, rồi chủ nhật đứng bán cả ngày, kiếm được bi nhiêu tiền là gửi hết vào quỹ “bạn trẻ khởi nghiệp” hay “áo ấm mùa đông”. Tony đánh giá các bạn ở yếu tố nhiệt tình, tốt bụng, chăm chỉ, hào sảng…nhưng đấy chỉ là ĐIỀU KIỆN CẦN. ĐIỀU KIỆN ĐỦ là tính kỷ luật thì không có, nên trước sau gì cũng tan rã nhóm, giải tán trước cho rồi. Còn 30 đứa thì đào tạo 30 đứa. Hoặc không làm cũng được, làm thì phải đàng hoàng. Ông Lý Quang Diệu nói “you cannot reach your dream or goal without discipline”. Discipline là tính kỷ luật, nếu không có nó, dream (giấc mơ) hay goal (mục tiêu cuối cùng) sẽ không bao giờ đạt được.

Nước Đức tạo nên chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc là vì người Đức được rèn luyện tính kỷ luật từ tấm bé. Người Nhật tạo nên huyền thoại Á Châu cũng vì tính kỷ luật khủng khiếp của mình. Người Hàn tạo nên kỳ tích cũng vì tính kỷ luật đôi lúc hơi cực đoan của họ. Doanh nhân nào thành đạt cũng có cái tính tuyệt vời đó. Bạn thử hẹn ăn trưa với Mr Jack Ma của Alibaba hay Mr Warren Buffett, hẹn 11h45 là đúng 11h45. Không có chuyện tiệc cưới mời 6h thì 7h15 mới múa hát và đãi ăn lúc 7h45.

Nếu thấy người không có tính kỷ luật, xuề xòa…thì chỉ cà phê cà pháo, tuyệt đối không hợp tác. Ở miền Tây Nam Bộ, dân ở đây có tính hào sảng nên khi mới mở ra làm ăn, doanh nghiệp nào cũng phát triển ầm ầm. Nhưng đến quy mô cỡ vài ngàn công nhân, thì bắt đầu lộn xộn trong quản lý. Có nhà máy chế biến cá basa nọ, cách đây 4 năm Tony đến mua cá, thấy công nhân đi vệ sinh xong vô không rửa tay, quản đốc thấy nhưng bỏ qua. Rồi quản đốc thì vừa chỉ đạo sản xuất vừa quẹt quẹt smartphone. Ông bảo vệ thì ngủ gục, bấm còi miết mới ra mở cửa cổng, đầu tóc rồi bù. Trong phòng thì giám đốc đang cợt nhã với một nữ thực tập sinh, trêu đùa quá trớn. Nhân viên thì vừa đọc tin tức online vừa làm hợp đồng, nên ngôn ngữ hợp đồng ngoại thương mà cứ như nói chuyện showbiz. Khi họp xong, Tony rủ đi ăn trưa, ông giám đốc gọi miết thì anh tài xế mới xuất hiện, vì anh đang trong phòng riêng đánh bài ăn tiền với các tài xế khác. Tony nói sao anh để vậy thì anh cười khà khà, nói kệ, anh em cả. Bữa nào bốn anh hội đồng quản trụy có mặt ở nhà máy, thì phòng giám đốc sẽ được đóng kín, các anh sẽ quánh bài tiến lên. Bốn người là đủ tay bài. Còn nếu chỉ có 2 anh, thì sẽ quánh cờ tướng, mỗi ván cả chục triệu.

Tony thấy doanh nghiệp vầy thì không ổn. Và đúng 4 năm sau thì nhà máy này rao bán. Vì đơn hàng xuất khẩu nào cũng bị trả lại hoặc tiêu hủy, lúc thì nhiễm vi sinh, lúc thì rơi cây kim trong bịch cá, xuất qua kia bị máy dò kim loại phát hiện, lúc thì cháy nổ do công nhân bất cẩn…Lỗ triền miên. Bữa họp cổ đông để bán nhà máy, trong 4 anh sáng lập viên, người đến muộn 15 phút, người đến muộn 2 tiếng, quýnh quáng bước vào phòng họp, gãi tai nói các lý do vô cùng quen thuộc như kẹt xe, lốp hỏng, đau bụng đột xuất, đưa mẹ đi bơi,…

Trên đường về lại Sài Gòn, anh S, đại diện công ty tài chính, giờ là cổ đông chính của nhà máy này, hỏi Tony chứ em biết vì sao họ rất giỏi, rất tài năng, nhưng cuối cùng phải bán nhà máy không. Vì tính kỷ luật là thứ DUY NHẤT họ thiếu. Họ chỉ có thể ĐẺ mà không thể NUÔI. Anh S nói anh sẽ không giữ ban giám đốc cũ, vì sợ là sự vô kỷ luật, sự xuề xòa của họ ảnh hưởng đến cả công ty, ai cũng bắt chước thì chết.

Nên các bạn trẻ, muốn có sự nghiệp, phải rèn tính kỷ luật cho CÁ NHÂN mình. Cái này đơn giản chỉ là sự RÈN LUYỆN. Quyết tâm 11h đêm ngủ là 11h đêm tắt đèn tắt máy tính đi ngủ. Đúng 5h sáng thức dậy là đúng 5h, vặn đồng hồ reng reng, bật dậy như lò xo. Tập thể dục là tập thể dục. Mệt cũng tập, trời lạnh cỡ nào cũng tập. Đến công sở trường học phải tuyệt đối đúng giờ, 8h học là 8h mở tập ra học. Giờ ăn là ăn, chơi là chơi, làm là làm. Ngồi cà phê với bạn bè là nói chuyện, tắt máy, không vừa nói chuyện vừa gián đoạn vì facebook hay tin nhắn. Kỷ luật khủng khiếp cho cá nhân mình, không nuông chiều cái lười, cái xuề xòa, cái “thôi kệ”. Và bạn bè cũng vậy, hạn chế chơi với thể loại vô kỷ luật, vì sẽ bị lây nhiễm. Khi học hành, chọn đội nhóm để làm bài tập chẳng hạn, chỉ chọn người có kỷ luật, không CẢ NỂ, mình cả nể là mình khổ. Đặc biệt trong làm ăn, người rủ mình mà kém kỷ luật, thì thôi. Vì hùn với họ, mình có cố gắng làm đến đâu đi nữa, cuối cùng cũng dẹp tiệm.

Bốn anh sáng lập viên nhà máy thủy sản kia, bán xong có chút tiền, rượu chè suốt. Rồi bất đắc chí, tới giờ khởi nghiệp lại vẫn chưa được, đành chạy xe ôm kiếm sống. Cứ chở khách đi ngang thì chỉ trỏ nói hồi xưa nhà máy này của tụi anh nè. Hằng ngày, 4 anh tụ tập với nhau ở quán cà phê, vừa ngồi chờ khách vừa quánh bài, ván giờ chỉ còn mười ngàn hai chục.

Nhưng cả bốn đều rất vui. Vì lúc nào cũng đủ tay bài. Enough hands to play cards. Always.

Kỹ năng Street Smart



100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70 



Bài 3: Kỹ năng Street Smart (SS)

Đây là kỹ năng quan trọng nhất mà một người làm ăn cần có.

Smart khác với intelligent ở chỗ là Intelligent thì IQ (chỉ số thông minh) phải cao, nhưng smart thì IQ và EQ (chỉ số cảm xúc) đều phải tương đối. Smart là thông minh thực tế, còn intelligent là thông minh hàn lâm. Ví dụ nói she is very intelligent, tức cô ấy học rất giỏi, nhưng nói she is very smart thì cô ấy phải biết phản ứng lại một cách thông minh, chứ không phải chỉ đưa cặp mắt cận nhìn đắm say người hỏi.

Street là đường phố. Như vậy SS chính là sự thông minh lanh lợi MÀ MÌNH CÓ ĐƯỢC từ đường phố. Đường phố có ai? Loại người gì có mặt ở trên phố? Ai cũng có. Chính vì vậy, việc ra phố và va chạm với đủ thể loại người, sẽ giúp mình có được SS.

Mọi doanh nhân thành công trên thế giới đều có SS. Ông A từng phải gõ cửa từng nhà bán tủ lạnh mới trở thành ông chủ nhà máy sản xuất điện tử lớn. Ông B phải từng làm cò đất kiếm chút hoa hồng trước khi có được hàng chục khu công nghiệp…Chính “street” đã dạy các ông ấy phải làm sao để kiếm tiền, và không mất tiền một cách “smart” nhất.

Các bạn nhớ câu chuyện “du hạc sinh và chuối hóa” chứ? Có anh tiến sĩ tài chính, mấy chục năm chưa về nước, vừa xuống sân bay ngơ ngác hỏi Bình Thạnh cách Tân Sơn Nhất bao nhiêu dặm hả em, thế là bị nó chạy vòng vòng mất hết mấy triệu. Vì anh tiến sĩ ấy quen sống trong tháp ngà, tốt nghiệp tiến sĩ, rồi vô các tòa cao ốc ở New York Paris, toàn gặp người mặc vét và nói chuyện đòn bẩy tài chính, chỉ số ROI riếc, nên đến một nước đang phát triển, nửa đêm nửa hôm, gặp anh lái taxi thì việc kể lể tôi là Việt Kiều 20 năm chưa về nước, tôi ôm một cục tiền về nước làm ăn, tôi giàu có thế này thế kia…thì bị nó chém đẹp là đúng rồi. Nên nhiều bạn đi chơi ở các nước như châu Phi chẳng hạn, về chê thế này thế kia vì các bạn không có SS. Ở cái xã hội đó, nó sẽ phải như vậy, xã hội đang phát triển cần thời gian để được tốt hơn, mình phải quen với nó, tự mình điều chỉnh cho phù hợp.

Các bạn cũng nhớ chuyện ở Davao? Tony đi vào một thị trấn trong núi rất xa thành phố, và nửa đêm check-in khách sạn, trên tường khách sạn vẫn còn vết đạn loang lổ của các lần chạm súng với lực lượng bắt cóc? Lúc đó, nếu mình tỏ ra đỏm dáng, nói tôi là doanh nhân đi đầu tư, có phòng VIP hem, có spa hem…thì nửa đêm nó vô bắt cóc ráng chịu. Còn nếu chỗ nguy hiểm mà ai hỏi, mình nói tôi là sinh viên đi du lịch, sẽ là sự an toàn cho tính mạng mình. Hay ở sân bay, người ta nhờ xách giùm hành lý qua cổng an ninh, chớ dại mà giúp đỡ. Ai biết trong đó có cái gì, lỡ ma túy thì sao. Nếu qua trót lọt thì tới kia, nó xin lại, mình chẳng được gì. Nếu không qua thì mình là người dính chưởng. Nếu người đó không đủ sức mang cái giỏ đó qua cổng an ninh, thì chẳng có khả năng xách cái giỏ đó từ nhà lên sân bay. Nên mình phải phán đoán chứ không phải ai cũng giúp. Kiểu ra nước ngoài gặp khủng bố làm rơi súng, nhặt lên đưa cho nó, nói súng của chú nè, lần sau cẩn thận hơn nghen chú.

Cách đây chục năm, có một sinh viên sang London học thạc sĩ. Nửa đêm, anh xuống tàu điện ngầm để đi về nhà, và vẫn như mọi khi, anh đứng chờ tàu ở vạch màu vàng cách đường ray 1m30. Lúc đó đã rất khuya, đang đứng thì có nhóm thanh niên người bản xứ đi nhậu về, say xỉn, đứng chung đợi tàu. Rồi họ đùa giỡn, đẩy anh xuống đường ray trong lúc tàu vừa tới. 12 năm phổ thông cha đưa mẹ rước, 4 năm đại học sáng đến trường chiều về nhà, anh không biết là với nhóm thanh niên say xỉn, mình không nên dây vào họ, không nên đứng gần họ. Nên các bạn trẻ cần có SS, để đảm bảo tính mạng cho bản thân mình, đặc biệt khi xa xứ, một mình…

Có nhiều bạn trẻ lâu lâu ra phố chơi, gặp bọn giang hồ vặt, nó chửi ví dụ ĐỤ MẸ, cái ngơ ngác hỏi chú ơi đụ mẹ nghĩa là gì? Vì xưa nay ở trường không ai nói, ở nhà thì bị cấm tiệt, đọc sách báo thì chỉ viết tắt là Đ.M, cứ tưởng Đan Mạch. Cái lấy Iphone ra mở từ điển ra dò nghĩa, bị giật mất ĐT, đứng khóc vang dội. Cho nên các bậc phụ huynh cứ mạnh dạn giáo dục cho con cái mình, từ đấy là xấu, không nên nói, nhưng không nên cách ly, phải cho ra phố. Vì có cách ly mãi được đâu. Mình không nói nhưng sẽ có người nói. Có nhiều người ra đường, đụng xe với mấy thằng choai choai, bèn xuống xe “làm cho ra lẽ”, “dạy cho bài học”…Nhưng vấn đề là có làm cho ra lẽ với bọn nó được không, hay tranh cãi một hồi thì nó đâm cho một phát. Nó đang tuổi nổi loạn, có biết sai biết đúng là gì, lại lúc điên tiết nữa. Tiết là máu, điên tiết là máu điên, máu này chảy lên não thì có biết gì nữa mà “ý thức giao thông” với “con nhà giáo dục, học lớp mấy”. Nên tránh bỏ đi, tránh voi chẳng xấu.

Trong làm ăn cũng vậy. Mình có SS để biết lúc nào cương, lúc nào nhu. Chứ hẻm phải cương miết, đứt mạch máu chết à. Còn nhu miết, nhũn miết thì làm ăn gì? Ví dụ. Giả sử cá lớn cắn câu, mình cố giật như thông thường, kết quả là dây câu sẽ đứt, cần sẽ gãy. Con cá đấy với lưỡi câu trong miệng, mấy ngày sau cũng sẽ chết. Hồ nước sẽ thối vì xác cá phân hủy. Cả ba đều lose-lose-lose, mất hết. Trong khi đó, với người có SS, họ sẽ thả dây ra lúc cá lớn cắn mồi. Để cá chạy vòng quanh, rồi từ từ thu dây câu lại. Rồi cá lại vùng lên, rồi mình lại thả ra rồi thu lại. Một hồi cá mệt, cái mình kéo lại gần bờ, dùng vợt vớt lên. Cần câu thì vẫn nguyên vẹn, con cá thì vẫn sống nếu được tháo lưỡi ra, thả lại dưới hồ hay đem bán đều có giá trị kinh tế, hồ nước vẫn trong xanh. Cả ba đều win-win-win, thắng hết.

Nguon:  fb/tonybuoisang